Tăng trưởng bền vững - mục tiêu số 1 của startup
Ngày cập nhật 12/08/2021

Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng tăng trưởng bền vững vẫn là hướng đi vững chắc cho các startup trong bối cảnh hiện nay.

Bất chấp dịch COVID-19, hoạt động khởi nghiệp vẫn diễn ra sôi nổi

Theo thông tin từ Ban tổ chức Viet Solutions (Cuộc thi tìm giải pháp chuyển đổi số Quốc gia), mặc dù ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nhưng số lượng doanh nghiệp (DN) thành lập mới 6 tháng đầu năm 2021 với số vốn đăng ký mới tăng mạnh. Tiêu biểu số lượng DN có số vốn từ 10-20 tỷ đồng tăng 25%, DN có số vốn đăng kí từ 20-50 tỷ đồng tăng 16,7%, DN có số vốn từ 50-100 tỷ đồng tăng 36,7%, trên 100 tỷ đồng tăng 52,9%.

Sự tăng về số DN có vốn đăng ký lớn cho thấy niềm tin của cộng đồng khởi nghiệp đang dần dần cải thiện, điều này có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy các hoạt động của DN trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến rất phức tạp.

Đối với các DN mới khởi nghiệp, việc lựa chọn tăng trưởng nóng nhanh chóng nắm bắt cơ hội hay hướng tới mục tiêu bền vững là nội dung then chốt mà bất cứ DN khởi nghiệp nào cần định hình trong quá trình xây dựng chiến lược phát triển. Theo chia sẻ của ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Tổng Giám đốc Viettel Telecom, sau 2 năm tổ chức, Ban tổ chức đã nhận được hơn 600 hồ sơ tham gia và có khoảng 10% trong số đó đã có hợp tác với Viettel. Những sản phẩm đó đã cung cấp được dịch vụ cho trên 120 triệu khách hàng ở các nước mà Viettel đầu tư.

Từ những startup đã hợp tác với Viettel sau cuộc thi Viet Solutions, ông Thanh nhận xét, các startup không quá nổi bật trên truyền thông tuy nhiên họ là những startup tăng trưởng bền vững. Ví dụ như VNN AI, là startup tham gia cùng Viettel từ mùa giải đầu tiên và đã có những bước phát triển rất ổn định ở mảng AI. Các startup hiện nay có xu thế cẩn trọng hơn và lựa chọn mô hình phát triển bền vững. Họ tập trung vào các core value để tạo ra giá trị khác biệt, không chạy theo những sự vụ xu thế của thị trường mà tập trung các giá trị cốt lõi chính là công nghệ.

Theo ông Thanh, các startup vẫn có thể tăng trưởng nóng, tức là nắm bắt cơ hội mới phát sinh và sau đó sẽ tập trung vào xây dựng hướng đi lâu dài và bền vững. Cho nên tại cuộc thi Viet Solutions, ban tổ chức không đưa ra lựa chọn là startup tăng trưởng nóng hay tăng trưởng bền vững.

Tuy nhiên, ông Thanh cho rằng, một số DN tăng trưởng nóng bằng cách đầu tư vốn ồ ạt thì mô hình đó sẽ có nhiều rủi ro. Vì duy trì DN đó bằng cách “đốt tiền” để lấy khách hàng nếu có tăng trưởng nhanh nhưng khi thị trường biến động thì nguồn đầu tư vào các dự án đấy cũng giảm xuống (do các nhà đầu tư có xu thế thận trọng hơn trong việc đầu tư mạo hiểm sẽ cân nhắc việc ngừng và giảm vốn).

Đơn cử về một startup đã chọn hướng đi lâu dài, ông Thanh cho biết, VNN AI tập trung vào core value của công ty này trong lĩnh vực AI, phát triển được nền tảng AI tương đối tốt và đã mở rộng lĩnh vực hoạt động để phù hợp hơn với nhu cầu thị trường. Đến bây giờ startup này đã phát triển các mảng khác trong lĩnh vực của họ, đặc biệt đã trở thành đối tác của các ngân hàng, cũng như một số đơn vị trong cơ quan Chính phủ.

Để trụ vững và thành công các startup nên xác định thế mạnh cốt lõi là gì và tập trung làm thật tốt giá trị cốt lõi đó. Đó chính là thế mạnh tạo ra sự khác biệt. Ví dụ như chúng ta là công ty công nghệ thì cần nắm chắc nền tảng nào đấy, làm chủ và có những cái vượt trội hơn hẳn so với đối thủ trong cùng lĩnh vực.

Còn lại những startup còn thiếu kinh nghiệm thị trường, cần lựa chọn những nhà đầu tư (rót vốn) đã có sẵn thị trường. Như Viettel, đã có thị trường, có kênh bán nên khi có ý tưởng nền tảng của các startup thì việc hợp tác và đưa sản phẩm ra thị trường sẽ nhanh và hiệu quả nhất. “Thông điệp từ Viet Solutions đưa ra không chỉ dành cho các startup tham gia thị trường mà tất cả các startup khác cần nhận diện thị trường đang cần gì, nền kinh tế-xã hội cần gì để có thể tập trung hơn vào các mảng kinh doanh trọng tâm”, ông Nguyễn Chí Thanh khẳng định.

Ảnh minh họa 

Cần vận hành hai yếu tố song song

Ông Bùi Thành Đô là đối tác sáng lập của ThinkZone Ventures (công ty đầu tư vốn ở Việt Nam chuyên đầu tư vào những nhà sáng lập đầy tham vọng và giúp họ có thể mở rộng quy mô khởi nghiệp trong khu vực) cũng cho rằng, những công ty đi theo làn sóng liên tục “đốt tiền” tức là đầu tư nóng đã không còn phù hợp vì hiện nay làn sóng đầu tư đã thay đổi. Muốn tạo lập công ty và phát triển nó thành công phải tập trung vào vấn đề cốt lõi.

Kinh nghiệm từ ThinkZone cho thấy, gần 3 năm vừa qua, nhiều startup tập trung đầu tư vào giá trị cốt lõi nhiều hơn. Họ coi việc tạo ra một công nghệ có lợi thế dẫn dắt sẽ bền vững và rõ ràng hơn thay vì tạo ra mô hình mua bán đơn thuần, sử dụng tiền của các quỹ đầu tư để tăng trưởng.

Hiện tại ThinkZone đầu tư vào một công ty quản lý về taxi. Trên thực tế, công ty này chưa từng tăng trưởng nóng vì doanh thu của công ty còn nhỏ. Thế nhưng độ ảnh hưởng của công ty lại rất lớn vì giá trị cốt lõi là nghiên cứu sâu về công nghệ và sản phẩm cho nền tảng 110 hãng taxi có thể điều vận chung và chia sẻ lại các khách hàng với nhau. Hiện nay, công ty đã có 18 triệu lượt khách hàng đang sử dụng trên hệ thống công nghệ của họ.

Tuy nhiên ông Đô cũng lưu ý rằng, trong những giai đoạn, thời điểm và cơ hội nhất định, nếu những startup có giá trị cốt lõi cho chiến lược kinh doanh của mình thì việc tăng trưởng nóng cộng với có một giá trị bền vững cũng sẽ giúp các startup thành công nếu vận hành hai yếu tố này đi song song với nhau khi giải quyết vấn đề lớn trên quy mô thị trường rộng.

Liên quan tới vấn đề trên, theo Bộ KH&CN, với môi trường, thể chế, kinh doanh và đầu tư đang từng bước cải thiện, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Trong năm qua, môi trường pháp lý cho phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia cơ bản đã hình thành, tạo điều kiện cho các yếu tố của thị trường công nghệ phát triển đặc biệt ở các khâu: Thành lập tổ chức trung gian, định giá tài sản trí tuệ, giao quyền sở hữu kết quả KH&CN cho cơ quan chủ trì, phân chia lợi ích sau thương mại hóa.

Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đến năm 2025” tiếp tục được triển khai hiệu quả góp phần từng bước xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo bền vững và phát triển. Đến nay đã có 53 địa phương ban hành kế hoạch triển khai Đề án, tuyển chọn được 58 đơn vị chủ trì và 44 đơn vị phối hợp có năng lực, kinh nghiệm triển khai 82 nhiệm vụ của Đề án trên khắp cả nước.

Cổng thông tin khởi nghiệp sáng tạo quốc gia đã vận hành hiệu quả với gần 2 triệu lượt truy cập và 1.500 thông tin dữ liệu về hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Có 13 tỉnh, thành phố xây dựng và vận hành cổng thông tin khởi nghiệp sáng tạo của địa phương.

Mặc dù đối mặt dịch COVID-19, nhưng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam vẫn có tín hiệu tăng trưởng khả quan. Năm 2020, tổng giá trị đầu tư cho khởi nghiệp ước đạt hơn 310 triệu USD. Việt Nam cũng ghi nhận sự xuất hiện của doanh nghiệp startup kỳ lân thứ hai là Công ty cổ phần Giải pháp thanh toán Việt Nam VNPAY được định giá hơn 1 tỷ USD và khoảng 10 doanh nghiệp khởi nghiệp có định giá trên 100 triệu USD.

Tính tới tháng 11/2020, Việt Nam đã có hơn 1.400 tổ chức có năng lực hỗ trợ khởi nghiệp, trong đó có 196 khu làm việc chung, 69 vườn ươm doanh nghiệp và 28 tổ chức thúc đẩy kinh doanh được thành lập. Số lượng quỹ đầu tư mạo hiểm coi Việt Nam là thị trường mục tiêu hoặc có hoạt động tại Việt Nam hiện nay là 108 quỹ, trong đó có 23 quỹ có pháp nhân Việt Nam, 23 quỹ “thuần Việt”. Những con số này liên tục tăng trong những năm qua thể hiện sự tham gia tích cực của cộng đồng vào sự phát triển hệ sinh thái.

Việt Nam cũng là một trong số ít quốc gia vẫn có thể tổ chức được Ngày hội khởi nghiệp quốc gia Techfest 2020 ở quy mô lớn, thu hút sự tham dự của hơn 6.500 lượt người tham dự trực tiếp và trên 50.000 lượt tham dự trực tuyến tại hơn 40 hội thảo, hội nghị, tọa đàm; sự tham gia của hơn 150 nhà đầu tư, quỹ đầu tư trong và ngoài nước với các thương vụ cam kết đầu tư đã đạt hơn 14 triệu USD.

Hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam được đánh giá ở vị trí 59 trên thế giới (theo đánh giá của Startup Blink năm 2020), tính riêng trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam đang nằm trong top 20-25 hệ sinh thái hàng đầu. Cũng trong năm 2020, Việt Nam tiếp tục giữ vững thứ hạng 42/131 quốc gia, vùng lãnh thổ về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu và tiếp tục được xem là hình mẫu của các nước đang phát triển khác trong việc thiết lập đổi mới sáng tạo như một ưu tiên quốc gia.

PT (Nguồn: vietq.vn)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Chương trình kế hoạch liên kết hợp tác
Với chủ đề "Đổi mới sáng tạo - Phát triển bền vững", sự kiện Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam (Techconnect and Innovation Vietnam 2023) là cầu nối thúc đẩy hợp tác đầu tư, nghiên cứu ứng dụng, phát triển công...