MỘC TRULY HUE’S: Tấm gương cho các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Ngày cập nhật 26/08/2020

MỘC Truly Hue’s là tên dự án được Phạm Thị Diệu Huyền dự thi và đạt giải A tại cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2019. Trải qua chặng đường một năm phát triển, đến nay dự án đã có nhiều đổi thay.

Thổi hồn văn hóa Huế vào từng sản phẩm

Trước khi bắt đầu dự án MỘC Truly Hue’s, Phạm Thị Diệu Huyền vốn là một kĩ sư công nghệ sinh học có hơn 6 năm kinh nghiệm khởi nghiệp kinh doanh với dự án café Gác Măng Rê theo phong cách retro.

Nhận thấy mảnh đất nơi mình sinh ra có rất nhiều đặc sản mà đất trời ban tặng. Cũng như mong muốn gây dựng một thương hiệu tập trung những sản vật đó, chị Huyền đã nghĩ đến một nước đi táo bạo đó là khởi nghiệp bằng quà quê, dự án MỘC Truly Hue’s ra đời từ đó.

Với phương châm “gói ân tình trong từng sản phẩm”, Founder của dự án đã lặn lội đến với các làng nghề truyền thống như Làng Sình, Kim Long… nhằm liên hệ với những nghệ nhân nơi đây hợp tác trong khâu thiết kế và chế biến sản phẩm. Đó là một chặng đường đầy thách thức, có lúc tưởng chừng như dự án đã phải chấm dứt hẳn vì không có đơn vị phối hợp. Tuy nhiên, trăn trở về nguy cơ thất truyền các sản vật truyền thống, cũng như những ảnh hưởng tiêu cực của việc bán hàng chèo kéo, không đạt chất lượng trong mắt khách du lịch đã khiến cho MỘC Truly Hue’s vẫn tiếp tục nuôi dưỡng, duy trì dự án với tinh thần “mình không làm thì ai làm?”.

Quả ngọt đầu tiên mà dự án nhận được chính là giải A (giải thưởng của Chủ tịch UBND tỉnh) tại cuộc thi KNĐMST tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2019. Sự sáng tạo của dự án chính là việc kết nối hiệu quả giữa ứng dụng KH&CN vào việc chế biến những đặc sản truyền thống Huế. Các sản phẩm của MỘC Truly Hue’s rất đa dạng, từ mang dấu ấn dân dã như mứt gừng, kẹo cau, mè xửng, đến những sản phẩm cao cấp như trà sen, bưởi sấy… tất cả đều đảm bảo quy trình chế biến nghiêm ngặt.

Đồng thời với đó, dự án này đã rất khéo léo trong việc lồng ghép những thông điệp quảng bá tỉnh nhà vào trong từng sản phẩm của mình. Thông qua việc thiết kế bao bì đượm chất Huế, với những danh thắng, lễ hội văn hóa đặc sắc như Chùa Thiên Mụ, cổng Ngọ Môn, vật Làng Sình… MỘC Truly Hue’s đã góp phần giới thiệu hình ảnh chỉnh chu của xứ Thần Kinh đối với khách du lịch trong và ngoài nước.

Không ngừng phát huy hơn nữa mô hình MỘC Truly Hue’s

Chị Phạm Thị Diệu Huyền, Founder của dự án MỘC Truly Hue’s nhận giải A tại Cuộc thi KNĐMST tỉnh năm 2019

Trao đổi với chúng tôi, chị Huyền cho biết: “Từ ngày MỘC Truly Hue’s đạt được xướng tên giải A tại cuộc thi KNĐMST năm 2019, dự án đã liên tục có những bước tiến đáng kể. Chính quyền tỉnh đã hỗ trợ chúng tôi rất nhiều, chẳng hạn như Sở KH&CN hỗ trợ, tư vấn cho dự án về vấn đề truy xuất nguồn gốc sản phẩm, Sở Công Thương hỗ trợ bao bì, máy móc, Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh thì giúp dự án trong hoạt động quảng bá, truyền thông.”

Sản phẩm của dự án MỘC Truly Hue’s

Dựa vào kinh nghiệm vốn có, cộng thêm sự chấp cánh hỗ trợ từ phía chính quyền, đến bây giờ MỘC Truly Hue’s đã mở rộng quy mô sản xuất của mình. Bằng việc mở rộng quy mô, dự án đã tạo ra một mạng lưới việc làm từ khâu chọn, sơ chế nguyên liệu đến chế biến sản phẩm. Được biết, dự án này đã thu hút được sự chú ý từ rất nhiều cộng đồng người Việt tại nước ngoài. Các đơn hàng sang Anh, Mỹ chính là minh chứng cho việc khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thành công của dự án.

Các mặt hàng của dự án ngày càng được phong phú và đa dạng hơn, bao bì mẫu mã ngày càng hoàn thiện, đảm bảo nhận diện thương hiệu trong mắt du khách trong và ngoài nước. Cùng với việc đa dạng sản phẩm, dự án cũng tập trung đầu tư rất nhiều cho các sản phẩm làm từ sen trắng Huế. Đây là một đặc sản nổi tiếng cả nước về chất lượng, dự án đã được tỉnh hỗ trợ diện tích khoanh vùng trồng sen trắng ở lăng Thiệu Trị và một phần phía trước hộ thành hào của Kinh thành Huế. Những vùng khoanh trồng này được đảm bảo nghiêm ngặt về quy trình chăm sóc, thu hoạch.

Về mảng truyền thông doanh nghiệp, hiện tại, ngoài việc duy trì fanpage “Đặc sản MỘC Truly Hue’s” với hơn 3.600 lượt thích, dự án cũng đã tiến hành mở rộng các hoạt động truyền thông như xây dựng và cập nhật liên tục website bán hàng một cách chuyên nghiệp để thu hút thêm khách hàng.

Đẩy mạnh quy mô sản xuất, mở rộng thị trường, dự án cũng tiến hành ứng dụng nhiều hơn nữa những quy trình công nghệ trong chế biến. Trước đây công nghệ chủ yếu mà dự án sử dụng là phương pháp sấy lạnh nông sản, dùng nhiệt độ thấp trong buồng sấy để làm khô sản phẩm. Đến bây giờ, bên cạnh việc tăng năng suất, sản phẩm sấy, MỘC Truly Hue’s còn tiếp tục đẩy mạnh các công nghệ như hút chân không đối với mặt hàng sen các loại, hay công nghệ cấp đông bảo quản thực phẩm một cách hiệu quả.

Trong thời gian vừa qua, khi bối cảnh “bình thường mới” đang bị ảnh hưởng nhất định trước sự quay lại của dịch Covid – 19, rất nhiều dự án, mô hình kinh doanh bị chững lại. Dự án MỘC truly Hue’s của founder Phạm Thị Diệu Huyền cũng chịu nhiều tác động lớn, những mẫu mã bao bì phục vụ cho Festival 2020 được thiết kế nhưng không phục vụ được dịp lễ hội vì lý do khách quan. Tuy vậy dự án vẫn thể hiện rõ quyết tâm trong mục tiêu “gói trọn ân tình xứ Huế vào trong từng sản phẩm”. Bản thân chị Huyền cũng cho biết, hy vọng những thành quả của dự án MỘC Truly Hue’s sau khi tham dự cuộc thi sẽ thổi bùng ngọn lửa cho người trẻ trong chặng đường khởi nghiệp.

Ngọc Hà - Xuân Khánh
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Câu chuyện khởi nghiệp thành công