Khơi dậy tinh thần, tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ Phong Điền trong phong trào khởi nghiệp
Ngày cập nhật 15/03/2021

Thực hiện Ðề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”, thời gian qua, các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ trên địa bàn huyện Phong Điền đã có nhiều giải pháp với các hoạt động đa dạng, thiết thực, từng bước thay đổi nhận thức, khơi dậy tinh thần, tiềm năng, sức sáng tạo, giúp hội viên, phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế gia đình. Ðến nay, nhiều chị em có ý tưởng được giúp đỡ khởi nghiệp thành công, từng bước khẳng định vị thế và vai trò của phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới.

Sau bao năm bôn ba cùng chồng tại Gia Lai, năm 2018 chị Trần Thị Bình quyết định cùng gia đình về quê nhà xã Phong Thu để lập nghiệp. Với tay nghề sẵn có là làm Bánh cơm chiên Giòn, tuy nhiên ban đầu sản phẩm bánh làm ra ít người tiêu dùng biết đến, Chị Bình phải tự mình đi bán ở các chợ phiên lân cận và các quán ở trước cổng trường học trên địa bàn để giới thiệu mặt hàng, song số tiền thu được rất ít, lợi nhuận thấp, không đủ chi phí cho ngày công lao động. Sau khi được Hội LHPN xã giới thiệu về hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp để phát triển kinh tế, và được Hội LHPN huyện Phong Điền tạo điều kiện cho vay vốn 50 triệu đồng, Chị Bình mua thêm các dụng cụ, nguyên liệu làm bánh; đồng thời liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm, tôi bắt đầu khởi nghiệp. Với chất lương sản phẩm sạch, an toàn, chất lượng, thẩm mỹ, giá cả hợp lý nhờ vậy bánh cơm chiên giòn gia đình chị Bình được nhiều người đón nhận, ngày càng nhiều đơn đặt hàng, sản phẩm không những đáp ứng trong tỉnh mà còn ra các tỉnh lận cận. Hiện nay bình quân mỗi ngày, cơ sở sản xuất Bánh cơm chiên Giòn của chị Bình sản xuất gần 500 cái, giải quyết việc làm cho 3 chị em phụ nữ tại địa phương.

Sản phẩm “Mì sợi sấy khô Mạnh Cường” của chị Nguyễn Thị Nhã Phương xã Phong Hiền

Rời xã Phong Thu, chúng tôi đến xã Phong Hiền, khi nhắc đến thương hiệu sản phẩm “Mì sợi sấy khô Mạnh Cường” thì mọi người ai cũng biết. Chị Nguyễn Thị Nhã Phương bắt đầu khởi nghiệp từ nghề làm mì sợi sấy khô từ năm 2011. Chị Phương cho biết: Ban đầu khởi nghiệp do khó khăn về vốn, ngoài số tiền tích góp ít ỏi, gia đình chị phải vay mượn nhiều nơi thêm 150 triệu đồng để mua máy trộn, máy cán, máy cắt... để làm nghề. Đến năm 2019, được Hội LHPN huyện tín chấp cho vay 100 triệu đồng với lãi suất ưu đãi, gia đình chị đã mở rộng nhà xưởng, mua thêm 2 máy cắt. Sản phẩm “Mì sợi sấy khô Mạnh Cường” sạch, an toàn, chất lượng, giá cả hợp lý nên sản phẩm được nhiều người đón nhận. Thị trường sản phẩm không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà vươn ra các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình,… tạo việc làm cho thêm cho 4 đến 5 lao động tại địa phương. Doanh thu từ nghề mì sợi ngày một tăng, giúp gia đình chị dần ổn định cuộc sống và có của ăn của để”, chị Nguyễn Thị Nhã Phương khẳng định.

Chị Trần Thị Bình đang làm bánh cơm chiên giòn

Không riêng gì chị Bình và chị Phương, chị Hoàng Thị Cẩm Nhung ở thôn Phò Ninh, xã Phong An cũng khởi nghiệp với nghề sản xuất bột ngũ cốc từ năm 2017 với thương hiệu “Bột ngũ cốc Phong An” cũng được nhiều người tiêu dùng biết đến và tin tưởng. Chị Nhung cho hay: “Bột ngũ cốc có nhiều dinh dưỡng hợp với nhiều lứa tuổi, nhất là người già, trẻ nhỏ nên ban đầu tôi làm để sử dụng trong gia đình. Nhận thấy nhiều hộ gia đình khác cũng có nhu cầu, nên với nguồn vốn ban đầu là 100 triệu đồng cộng với vốn vay khởi nghiệp 50 triệu đồng từ Hội LHPN huyện Phong Điền, tôi đã mở rộng sản xuất”. Hiện mỗi tháng cơ sở của chị Nhung sản xuất được 400 kg bột ngũ cốc, doanh thu khoảng 70 triệu đồng. Theo tính toán, sau khi trừ mọi chi phí, chị Nhung lãi gần 20 triệu đồng/tháng. “Để tạo lòng tin cho khách hàng và có chỗ đứng cho sản phẩm bột ngũ cốc, tôi luôn lấy uy tín làm đầu”, chị Nhung khẳng định. Theo đó, nguyên liệu làm bột chị lấy nông sản sạch từ các vùng, như: nếp ở A Lưới, gạo lứt Phú Vang và các loại đậu Phong Điền… Hạt cao cấp được chị Nhung nhập từ các công ty có tiếng tăm trong cả nước. Sản phẩm bột ngũ cốc được chị giới thiệu trên trang mạng xã hội nên có mặt cả trong Nam ngoài Bắc. Hướng sắp tới của chị là sẽ đưa sản phẩm vào siêu thị và các cửa hàng thực phẩm an toàn…”

Những năm qua, Các cấp Hội LHPN trên địa bàn huyện Phong Điền triển khai nhiều hoạt động giúp hội viên hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp khả thi để phát triển kinh tế gia đình. Đồng thời, phối hợp với các ngành, đơn vị chức năng tổ chức các hoạt động hướng dẫn khởi nghiệp, khai thác, sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả; hỗ trợ kết nối với các doanh nghiệp về thị trường trong việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm…Chị Hồ Thị Ngọc Châu, Chủ tịch Hội LHPN xã Phong An cho biết: “Để định hướng khởi nghiệp cho phụ nữ, Hội đã tổ chức cho nhiều chị em tham gia các lớp tập huấn về các mô hình phát triển kinh tế mang lại hiệu quả như: Tràm dược liệu, Atiso đỏ, sen-cá, nuôi heo… Từ đó, chị em có thể chọn lựa mô hình để khởi nghiệp. Bên cạnh đó, kết nối với Ngân hàng Chính sách và xã hội huyện để hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi…”.

Với phẩm chất cần cù, tinh thần vượt khó cùng sự hỗ trợ từ nhiều chương trình, đề án, nhiều chị em phụ nữ trên địa bàn huyện Phong Điền đã mạnh dạn đầu tư khởi nghiệp, biến những thử thách thành cơ hội và khẳng định được vị trí của mình trong gia đình, xã hội. Hiện nay, trên địa bàn huyện Phong Điền đã xuất hiện nhiều mô hình làm kinh tế hiệu quả như: Chăn nuôi bồ câu Điền Hòa, nấm sò Phong Mỹ, xúc xích Phong An, bánh cơm chiên giòn Phong Thu, nuôi thỏ Phong Chương, trang trại tổng hợp Phong Chương, vùng nguyên liệu tràm dược liệu Phong Xuân… Nhiều phụ nữ mạnh dạn phát triển kinh tế gia đình, đồng thời hỗ trợ chị em khác vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng với nhiều mô hình kinh tế cho thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Chủ tịch Hội LHPN huyện Phong Điền Trần Thị Lý cho biết: “Từ khi triển khai thực hiện Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, Huyện hội đã giải ngân cho 8 chị với số tiền 550 triệu đồng, giúp các chị đầu tư máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, hội xây dựng mô hình “Câu lạc bộ khởi nghiệp” gồm 30 thành viên để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm. Ngoài ra, phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Qua sự giúp đỡ của Hội, trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều gương phụ nữ điển hình, năng động, dám nghĩ dám làm với các mô hình kinh tế thành công”.

Thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Phong Điền  sẽ tiếp tục chỉ đạo triển khai Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, tập trung vào việc tổ chức các lớp đào tạo để nâng cao kiến thức cho chị em có ý tưởng, các mô hình khởi nghiệp, kỹ năng kinh doanh, quản lý, bên cạnh đó hỗ trợ về vốn, giới thiệu quảng bá kết nối các sản phẩm; hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu và các quy trình sản xuất, an toàn thực phẩm để phân phối rộng rãi đến thị trường và người tiêu dùng...Qua đó khơi dậy tinh thần, tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ trong phong trào khởi nghiệp.

TĐ (Nguồn: thuathienhue.gov.vn)
Các tin khác
Xem tin theo ngày