Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong sinh viên
Ngày cập nhật 30/09/2020

Từ lâu, khởi nghiệp trong môi trường đại học luôn là một đề tài được công chúng quan tâm, bởi lẽ đây là lực lượng nòng cốt thúc đẩy sự phát triển của xã hội sau này. Trao đổi về vấn đề này, chúng tôi có cuộc trò chuyện với TS. Hoàng Kim Toản, Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp Đổi mới và sáng tạo (KNĐM&ST) Đại học Huế.

hoangkimtoan_pb2.jpg

TS. Hoàng Kim Toản tại các hoạt động khởi nghiệp của Đại học Huế

Chào ông! Xin ông có thể chia sẻ về thực trạng khởi nghiệp của sinh viên Đại học Huế hiện nay?

Đại học Huế là một đại học vùng, 2 cấp, đa ngành đa lĩnh vực. Sinh viên Đại học Huế nói chung có tinh thần sáng tạo và tự chủ tốt. Tuy vậy, trong môi trường đại học, nhiệm vụ chính của các em là học. Chúng tôi không khuyến khích các em xây dựng doanh nghiệp, dành nhiều thời gian cho công việc và không tập trung việc học.

Nếu nói về cựu sinh viên, qua các khảo sát trước đây, tỉ lệ việc làm của sinh viên Đại học Huế sau 1 năm tốt nghiệp đạt trên 90%. Năng lực tự tạo việc làm cũng rất tốt, đặc biệt trong các khối ngành về công nghệ, kinh tế. Tuy nhiên, để xây dựng các doanh nghiệp lớn thực sự, thì hiện tại vẫn còn hạn chế. Việc

thúc đẩy để có được các doanh nghiệp khởi nghiệp được sáng lập bởi các cựu sinh viên của Đại học Huế là nhiệm vụ của Trung tâm KNĐM&ST.

Theo ông, sinh viên Đại học Huế có những thế mạnh và điểm yếu gì trong môi trường khởi nghiệp hiện nay?

Để khởi nghiệp, điều kiện tiên quyết cần có vốn. Vốn ở đây bao gồm: tài chính, giáo dục, mối quan hệ và uy tín. Trong đó, nguồn vốn giáo dục cực kỳ quan trọng.Với chất lượng của Đại học Huế cùng môi trường đa ngành, đa lĩnh vực, các bạn sau khoảng thời gian học tại trường có thể tích lũy được nguồn vốn giáo dục đủ lớn để có thể bước ra xã hội, bắt đầu hành trình của một doanh nhân khởi nghiệp. Đó là một thế mạnh của sinh viên Đại học Huế. Ngoài ra một ưu điểm nữa chính là đức tính chịu khó, muốn vươn lên của sinh viên. Đây cũng là một yếu tố thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của các bạn.

Về hạn chế, do đặc thù kinh tế của khu vực miền Trung, các bạn trong giai đoạn học tập thiếu khá nhiều về môi trường thực hành trong các doanh nghiệp. Năng lực của mỗi con người được đánh giá thông qua 3 tiêu chí: kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm. Tiêu chí kinh nghiệm của các bạn chưa thực sự có đủ điều kiện để nâng cao nhiều. Do đó, Đại học Huế đang có các đề án để xây dựng các Fab Lab - phòng thực hành chế tạo, nhằm tạo thêm môi trường để các bạn có nhiều kinh nghiệm và kỹ năng hơn. Đồng thời, chúng tôi cũng tích cực kết nối với doanh nghiệp để có

thêm nhiều môi trường cho các bạn.

Trong thời gian qua, Trung tâm KNĐM&ST đã có những biện pháp gì hỗ trợ cho các dự án của sinh viên?

Mặc dù doanh nghiệp khởi nghiệp không phải là mục tiêu của hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp trong đại học, chúng tôi vẫn phải kết nối, xây dựng đầy đủ cấu phần của một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để hỗ trợ các dự án.

Các nhóm dự án sau khi được chọn lọc sẽ nhận được đầy đủ các hỗ trợ từ Trung tâm, bao gồm: đào tạo kiến thức cơ bản và nâng cao; kết nối cố vấn khởi nghiệp (mentor), huấn luyện viên khởi nghiệp (coach); cung cấp không gian làm việc chung, văn phòng đại diện; cung cấp các tư vấn hỗ trợ về tài chính, luật, marketing, …; kết nối đầu tư, hỗ trợ gọi vốn; giới thiệu đến các tổ chức tăng tốc khởi nghiệp.

Các hoạt động trên được triển khai trong chương trình ươm tạo khởi nghiệp mà Trung tâm bắt đầu triển khai từ năm 2019.

Hoạt động ươm tạo các dự án khởi nghiệp được chọn lựa và diễn ra như thế nào?

Hoạt động ươm tạo bắt đầu từ việc chọn lựa các dự án có ý tưởng mang tính sáng tạo cao, được đánh giá bởi các tiêu chí: tính mới, có giá trị và bền vững. Sau đó là yếu tố về đội nhóm thực hiện.

Chúng tôi tìm kiếm ý tưởng thông qua các cuộc thi và mở cổng đăng ký theo khóa. Đại học Huế đang có 3 mô hình cuộc thi: cuộc thi Hueuni Business Innovation Hackathon, diễn ra trong 24 giờ; cuộc thi Hueuni 10 Days Breakthrough, diễn ra trong 10 ngày; cuộc thi Ý tưởng Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, diễn ra trong nhiều tháng.

Sau quá trình tìm kiếm, chọn lựa, các dự án sẽ được tham gia chương trình ươm tạo kéo dài trong 6 tháng, đây là giai đoạn để hoàn thiện mô hình kinh doanh, kiểm thử thị trường để đánh giá hiệu quả dự án. Đây cũng là bước đánh giá mức độ khả thi và khả năng phát triển của dự án trước khi gọi vốn đầu tư.

Theo ông, khả năng ứng dụng, cụ thể hóa trong thực tiễn của các dự án khởi

nghiệp đó ra sao?

So với 3 năm trước, sau các chương trình đào tạo, giới thiệu về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên hiện tại đã có sự thay đổi về bản chất. Các bạn bắt đầu hướng tới nguyên lý cơ bản của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là đi giải quyết các vấn đề của xã hội đang gặp phải. Chính vì thế, tính khả thi của ý tưởng rất tốt.

Giai đoạn từ ý tưởng đến sản phẩm ra thị trường cần sự đóng góp của nhiều yếu

tố khác. Trong đó đội nhóm phát triển dự án - yếu tố con người vẫn là quan trọng nhất. Thực tiễn môi trường đại học toàn Việt Nam cũng như Đại học Huế, khả năng thành công của một dự án do sinh viên dẫn dắt thường là không cao. Điều này xuất phát từ tính cam kết về mặt thời gian của sinh viên không được đảm bảo vì bị chi phối bởi thời gian học. Sẽ là một kết quả khác nếu người dẫn dắt là giảng viên cùng với sự tham gia của các cộng sự là sinh viên.

Để lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong sinh viên, Chính phủ đã ban hành “Đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”, vậy ông có đánh giá gì về tiến độ đề án này trong phạm vi Đại học Huế?

Trong khuôn khổ Đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025 (Đề án 1665), Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giao Đại học Huế thí điểm xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp trong trường đại học, cùng với 2 đơn vị khác ở 2 đầu đất nước. Ngay từ khi thành lập, Trung tâm KN&ĐMST đã xây dựng chiến lược để phát triển hệ sinh thái KNĐM&ST và hỗ trợ các trường đại học khu vực miền Trung và Tây Nguyên nâng cao năng lực hỗtrợ khởi nghiệp. Các hoạt động được triển khai một cách hệ thống, theo đúng chiến  lược. Bắt đầu từ việc nâng cao nhận thức, đào tạo bồi dưỡng, hỗ trợ hình thành ý tưởng và ươm tạo, kết nối đầu tư.

Các nguồn lực hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp được phát triển liên tục với các khóa đào tạo giảng viên nguồn, huấn luyện viên, cố vấn khởi nghiệp. Mạng lưới chuyên gia, nhà đầu tư trong và ngoài nước được kết nối chặt chẽ. Đại học Huế cũng đã xây dựng không gian làm việc chung rộng 2000m2 tại toàn nhà số 20 Lê Lợi để phục vụ sinh viên và các nhóm dự án khởi nghiệp.

Chúng tôi cũng đang trình tham mưu các phương án nhằm đảm bảo tất cả sinh viên Đại học Huế được đào tạo kiến thức cơ bản về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Hỗ trợ tất cả các ý tưởng dự án khởi nghiệp của sinh viên. Hiện nay, tiến độ triển khai Đề án 1665 trong phạm vi Đại học Huế rất khẩn trương, hiệu quả.

Được biết, Thừa Thiên Huế vừa phát động cuộc thi KNĐMST năm 2020, ông có nhận xét gì về sân chơi này đối với sinh viên Đại học Huế?

Năm 2019, dự án của nhóm sinh viên Đại học Huế đã đạt giải Nhất cuộc thi KNĐMST do tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức. Điều này cho thấy, sinh viên Đại học Huế hoàn toàn đủ năng lực để tham gia cuộc thi cấp tỉnh, vốn chỉ dành cho các dự án đã có sản phẩm, có khách hàng và có tăng trưởng doanh thu. Sân chơi này giúp các dự án của sinh viên Đại học Huế tiếp cận thêm nhiều nguồn lực hỗ trợ, từ vốn cho đến chính sách hỗ trợ của tỉnh.

Chúng tôi đánh giá cao cuộc thi của tỉnh và hàng năm luôn giới thiệu các nhóm dự án tiêu biểu của Đại học Huế tham gia.

Việc kết nối doanh nghiệp và nhà đầu tư là khâu quan trọng trong KNĐMST, vậy theo ông, các dự án cần làm cách nào để được các nhà đầu tư “chọn mặt gửi vàng”?

Nguyên tắc của nhà đầu tư là sinh lời. Chính vì thế, các dự án muốn được đầu tư phải thể hiện tính khả thi thuyết phục.

Việc được nhà đầu tư rót vốn giống như học sinh đi thi Olympic quốc tế, không phải 100 người chọn lại 1 người trao giải nhất mà là ai đủ năng lực sẽ có Huy chương.

Các dự án cần thể hiện được ít nhất 3 điều sau: đội nhóm thực hiện dự án; quy mô thị trường và tính khả thi của giải pháp. Trong đó, đội nhóm luôn là yếu tố hàng đầu để các nhà đầu tư đánh giá.

Những kế hoạch sắp tới mà Trung tâm KNĐM&ST sẽ tiến hành để lan tỏa tinh thần khởi nghiệp?

Trong giai đoạn sắp tới, Trung tâm tập trung nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên đào tạo về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đội ngũ huấn luyện viên khởi nghiệp và các cán bộ xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương, không chỉ cho Đại học Huế mà cả khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Chúng tôi cũng sẽ tổ chức các sự kiện quy mô lớn về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đại học Huế đã giao Trung tâm KNĐM&ST làm đầu mối tổ chức chương trình Hueuni Innovation Camp - Hội trại đổi mới sáng tạo Đại học Huế vào cuối năm 2020, với chuỗi chương trình ngày hội, giao lưu, hội nghị, hội thảo, cuộc thi và kết nối đầu tư. Đây là sự kiện điểm nhấn về hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Đại học Huế năm 2020. Năm 2021, Đại học Huế dự kiến sẽ đăng cai tổ chức chương trình Ngày hội khởi nghiệp Quốc gia của Học sinh, sinh viên SV.STARTUPS.

 

Ngọc Hà
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
TP HCM Startup sử dụng năng lượng xanh có lợi thế khi xuất khẩu vào các thị trường lớn với yêu cầu trách nhiệm cộng đồng bên cạnh chất lượng, giá cả, theo lãnh đạo VCCI.  
Chương trình kế hoạch liên kết hợp tác
Với chủ đề "Đổi mới sáng tạo - Phát triển bền vững", sự kiện Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam (Techconnect and Innovation Vietnam 2023) là cầu nối thúc đẩy hợp tác đầu tư, nghiên cứu ứng dụng, phát triển công...
Câu chuyện khởi nghiệp thành công