Từ vỏ đậu vi sinh đến đất trồng hữu cơ
Ngày cập nhật 30/09/2020

Năm 2019, dự án vỏ đậu vi sinh của Lê Văn Tài được xướng giải B cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2019 của tỉnh Thừa Thiên Huế. Tận dụng những đặc tính vốn có của sản phẩm này, Tài tiếp tục tham gia sân chơi khởi nghiệp năm 2019 với sản phẩm đất trồng hữu cơ.

 

Khởi nghiệp từ vỏ đậu vi sinh

Thừa Thiên Huế là một vựa đậu lớn của khu vực miền Trung, từ lâu bà con nơi đây theo tập quán dùng vỏ đậu để làm chất đốt trong nấu nướng hoặc bỏ đi. Nhận thấy tiềm năng của nguyên liệu này, anh Lê Văn Tài đã nảy ra ý tưởng nuôi cấy vi sinh trên giá thể vỏ đậu để khai thác hiệu quả to lớn của nó.

dong_giai_b.jpg

Lê Văn Tài (thứ 2 bên trái) được xướng giải B cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2019 của tỉnh Thừa Thiên Huế

Trao đổi với chúng tôi, anh Tài cho biết trước đây từng đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội Nông dân phường Xuân Phú. Trong quá trình hoạt động, hướng dẫn bà con phát triển mô hình rau sản xuất an toàn theo hướng hữu cơ, vì thấy vai trò rất lớn của vi sinh vật với đất trồng nên anh đã mày mò tìm hiểu. Ròng rã một năm độc lập nghiên cứu, thử nhiều loại giá thể như rơm, bã mía, bèo… cuối cùng dự án vỏ đậu vi sinh ra đời như là một giải pháp thay thế các loại phân bón hóa học tác động xấu đến môi trường đất.

Đây là một sản phẩm có khả năng cạnh tranh rất mạnh ở thị trường trong tỉnh. Với nguồn cung nguyên liệu dồi dào (Hương Trà, Phong Điền, Phú Lộc, Phú Vang) cộng thêm chi phí vận chuyển hợp lý, hiệu quả cao, được khách hàng tin dùng, vỏ đậu vi sinh có thể đứng vững với những thương hiệu khác từ hai đầu đất nước.

Anh Tài cho biết, để sản xuất ra một sản phẩm vỏ đậu vi sinh hoàn chỉnh cần phải trải qua các bước nhân nuôi vi sinh, phối trộn, ủ, đóng gói. Trong đó, bước nhân nuôi vi sinh được nghiên cứu kĩ lưỡng, đảm bảo sao cho các vi sinh vật có thể thích ứng với giá thể vỏ đậu, cũng như phát huy hết chức năng của mình khi dùng chăm bón. Với sự say mê, sáng tạo, Lê Văn Tài đã cải tiến hệ thống máy móc để phù hợp cho việc sản xuất. Thành phần cơ bản của sản phẩm này gồm vỏ đậu, cám gạo, các chế phẩm sinh học, vi sinh vật. Tất cả được phối trộn phù hợp. Hàm lượng vi sinh trong sản phẩm sẽ thay thế cho những thành phần hóa học vốn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho đất trồng. Do vậy, vỏ đậu vi sinh là một sản phẩm rất thân thiện với môi trường, góp phần cải tạo đất, hạn chế một số bệnh trên cây trồng.

Xuất thân là sinh viên kinh tế, cho nên Tài lập ra một chiến lược phát triển rất kĩ lưỡng cho dự án này. Theo đó, thị trường mà vỏ đậu vi sinh hướng tới bên cạnh canh tác nông nghiệp là nhà phố và cây cảnh. “Đây là hai đối tượng có nhu cầu rất cao, họ biết được vai trò của vi sinh vật, nên mới tìm đến sản phẩm này”, anh tài chia sẻ.

Biến vỏ đậu vi sinh thành tiền phẩm để khởi nghiệp

Trao đổi với chúng tôi, anh Tài cho biết từ ngày đạt giải của cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, dự án được chính quyền hỗ trợ trong các khâu vay vốn, kiểm nghiệm sản phẩm. Phía Sở Khoa học và Công nghệ cũng thường xuyên mời anh tham dự các buổi hội thảo, tập huấn để nâng cao hiểu biết, cũng như tạo mối quan hệ với các dự án khác.

Không dừng lại ở dự án này, Tài cho biết sẽ dùng vỏ đậu vi sinh của mình làm tiền phẩm để sản xuất đất trồng hữu cơ. Đây sẽ là sản phẩm sẽ tham dự cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2020 của tỉnh.

Theo đó, dự án này sẽ giới thiệu một loại đất sống được nghiên cứu phục vụ cho nông nghiệp, với đặc tính bền bỉ, khó bạc màu. Hàm chứa sẵn dinh dưỡng từ vỏ đậu vi sinh, các chế phẩm kháng sâu bệnh, và các giả thể khác để cân bằng PH, độ ẩm… loại đất này sẽ giúp cho người sử dụng nâng cao năng suất trong trồng trọt.

Về khả năng cạnh tranh, Tài cho biết, sản phẩm đất trồng hữu cơ của mình có giá ngang bằng với các sản phẩm hiện tại trên thị trường. Cứ 30 dm³ đất sống này sẽ có giá thị trường là 60.000 VNĐ. Với lợi thế sân nhà, Tài tự tin sẽ có thể cạnh tranh được với sản phẩm khác. Thực tế, các đơn vị kinh doanh phân bón, đất trồng rất thường xuyên nhập loại đất này của anh để cung ứng cho thị trường.

Về kế hoạch phát triển, chủ dự án cho biết sẽ tập trung hoàn thiện hơn nữa chất lượng cũng như khâu đóng gói bao bì của loại đất này. Đồng thời sẽ đẩy mạnh kế hoạch truyền thông trong tương lai gần, khi tiềm lực của mình đã đủ mạnh.

Có thể thấy, chặng đường từ vỏ đậu vi sinh đến đất trồng hữu cơ của anh Lê Văn Tài là một quá trình nỗ lực, sáng tạo. Khả năng ứng dụng vào thực tiễn của hai mô hình này rất lớn. Từ đó góp phần giải quyết những vấn đề mà hoạt động canh tác nông nghiệp gặp phải, cũng như lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Xuân Ngọc
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
TP HCM Startup sử dụng năng lượng xanh có lợi thế khi xuất khẩu vào các thị trường lớn với yêu cầu trách nhiệm cộng đồng bên cạnh chất lượng, giá cả, theo lãnh đạo VCCI.  
Chương trình kế hoạch liên kết hợp tác
Với chủ đề "Đổi mới sáng tạo - Phát triển bền vững", sự kiện Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam (Techconnect and Innovation Vietnam 2023) là cầu nối thúc đẩy hợp tác đầu tư, nghiên cứu ứng dụng, phát triển công...
Câu chuyện khởi nghiệp thành công