Huỳnh Lê Thái Bão: Khởi nghiệp vì cộng đồng
Ngày cập nhật 21/04/2022

Một bác sĩ trẻ người Tây Nguyên, khi còn là sinh viên đã sớm tham gia các hoạt động xã hội để lại nhiều dấu ấn, thành tích thông qua các chương trình như Ngân hàng máu sống, Tuần lễ vì sức khoẻ cộng đồng. Sau khi tốt nghiệp Bão luôn trăn trở phải làm một điều gì đó có ý nghĩa cho cộng đồng khi đại dịch COVID-19 đang trở thành chủ đề bàn luận của tất cả mọi người. Điều này, đã thôi thúc chàng trai trẻ mạnh dạn khởi nghiệp, triển khai dự án “Hệ sinh thái y khoa online” nhằm tạo ra những sản phẩm chất lượng, cung cấp những thông tin, kiến thức Y khoa online phong phú có giá trị chiều sâu, phục vụ cộng đồng.

 

“Khởi nghiệp là bắt đầu một công việc gì đó, có thể là mới hoàn toàn hoặc thực hiện mới trên cơ sở nền tảng cũ. Việc khởi nghiệp đa số là vì lợi ích kinh tế, tuy nhiên cũng có những người khởi nghiệp vì đam mê, niềm vui và lấy lợi ích cộng đồng làm lợi nhuận cho mình. Tôi nghĩ các bạn trẻ cần nghĩ rộng hơn về khởi nghiệp, nó không hẳn chỉ là làm giàu cho bản thân mà hãy nghĩ đó là công việc ý nghĩa giúp rất nhiều người và cả xã hội đi lên” – Bác sĩ Huỳnh Lê Thái Bão chia sẻ

Khởi nghiệp là để thoả mãn ước mơ, đam mê và vì những gì xung quanh xã hội mình đang sống. Sau khi đạt giải nhì cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2021, Bão có tiếp tục phát triển, duy trì lâu dài với ý tưởng khởi nghiệp này hay không? Và làm cách nào để duy trì Hệ sinh thái y khoa Online đó?

Bão nghĩ rằng mình sẽ còn một hành trình rất dài ở phía trước. Mình sẽ không dừng lại ở Hệ sinh thái Y khoa online mà sẽ đầu tư thêm cho các hoạt động thực tế, không chỉ đầu tư ở mảng thông tin và kiến thức y khoa, trong tương lai sẽ đầu tư thêm vào việc kết nối khám chữa bệnh (online/thực tế), dịch vụ sức khoẻ cộng đồng. Dự án sẽ ngày càng mở rộng, chúng mình sẽ làm chỉnh chu những gì đã thực hiện nhưng vẫn sẽ định hướng dự án trở thành một Hệ sinh thái Y tế bao quát trên lãnh thổ Việt Nam.

Để thực hiện được định hướng trên: Chúng tôi sẽ phải đi từng bước từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp. Công việc trước mắt là chúng tôi sẽ tuyển dụng và đào tạo nhân sự trong năm nay để có đội ngũ tương xứng với yêu cầu công việc đặt ra trong giai đoạn tới. Cùng với đó, chúng tôi sẽ điều chỉnh một số chức năng kỹ thuật cũng như cách thức hoạt động qua các ý kiến của Mentor, ban giám khảo, ban tổ chức cuộc thi Khởi nghiệp cùng các cuộc thi khác đã góp ý và giúp đỡ. Chúng mình không gặp khó khăn về vấn đề kinh phí vì dự án của chúng tôi đặc biệt tối ưu hoá tài chính. Vấn đề chính yếu vẫn là con người và phương hướng hoạt động, chúng tôi nghĩ rằng điều quan trọng là làm sao cho người tham gia hệ thống có được sự đam mê, tinh thần khởi nghiệp cũng như cống hiến vì cộng đồng sẽ giúp chúng tôi tồn tại lâu dài.

Khởi nghiệp vốn là bài toán khó khăn, có nhiều người đã chùng bước vì thất bại cũng có những người lấy khó khăn đó để biến thành cơ hội, lợi thế. Anh có thể chia sẽ những điều khó khăn trong quá trình khởi nghiệp và cách anh vượt qua khó khăn đó?

Trong những giai đoạn đầu khởi nghiệp dự án “Hệ sinh thái Y khoa Online” chúng tôi gặp rất khó khăn. Không có nhân sự, thiếu tài chính để duy trì điều đó khiến tôi phải suy nghĩ và tìm cách giải quyết. Chúng tôi đã áp dụng mô hình tình nguyện kêu gọi nhân sự hoạt động tình nguyện với sự hỗ trợ của trung tâm Tình nguyện quốc gia thuộc Trung ương Đoàn. Dùng chính nội dung của hệ thống để nhận tiền quảng cáo của google và doanh nghiệp để tái đầu tư hoàn toàn và duy trì hệ thống trong khi người dùng hoàn toàn không phải trả khoản phí nào. Trong thời gian không thể hoạt động offline trong mùa dịch COVID-19, chúng tôi đã chuyển sang định hướng đẩy mạnh các hoạt động online toàn bộ, dừng các hoạt động tình nguyện mặt đất. Sau mùa dịch sẽ dịch chuyển dần về hoạt động thực tế.

Thời gian đầu triển khai, chúng tôi thiếu các thông tin về Covid – 19, thiếu các nguồn tài liệu có giá trị cho nhóm dịch thuật vì vậy chúng mình đã mở các chuyên mục, chuyên đề về COVID-19 để tăng cường dịch thuật, mời chuyên gia đóng góp nội dung. Xin được tài trợ 6 tài khoản bản quyền từ nhà tài trợ (Uptodate, BMJ, Clinical key, NJEM, Dynamed, JAMAnetwork), đổi lại giúp quảng cáo tạo giá trị cho nhà tài trợ, hưởng tài trợ lâu dài. Giai đoạn đó, truyền thông vẫn còn rất yếu chúng tôi đã thực hiện truyền thông kép, tất cả dịch vụ miễn phí, tuy nhiên để sử dụng dịch vụ, người dùng cần chia sẻ các bài viết, từ đó hệ thống được quảng bá, từ đó lan tỏa nhiều người biết đến.

Khi chúng tôi ổn định về mặt nhân sự và tài chính, chúng tôi tăng cường đẩy mạnh, mở rộng hệ thống với quy mô toàn quốc bằng cách liên hệ và tuyển thành viên toàn quốc. Thiết lập hệ thống nhân sự 4 miền: Bắc – Trung – Nam – Tây Nguyên. Mời 20 Tiến sĩ  Thạc sĩ , Bác sĩ giúp đỡ “Diễn đàn y khoa” cùng 5 chuyên gia là Giáo sư, Tiến sĩ cố vấn  định hướng nội dung và sau đó mở các chuỗi khóa học và chia sẻ “Webinar diễn dàn Y khoa” để đẩy mạnh hệ thống.

Khởi nghiệp là một hành trình đầy gian nan và thử thách với tính rủi ro cao. Trong quá trình khởi nghiệp anh đã áp dụng các phương pháp nào để hạn chế tối đa sự rủi ro?

Theo mình, khởi nghiệp thì không thể không có khó khăn và rủi ro, nhưng chúng ta có thể hạn chế khó khăn và rủi ro về mức thấp nhất có thể. Nhiều bạn trẻ khởi nghiệp với phương châm “chấp nhận sai để học hỏi” nhưng lại rất nguy hiểm khi không kiểm soát được rủi ro dẫn đến thiệt hại lớn và lâu dài. Vì vậy theo tôi khởi nghiệp cần có kiến thức và phương pháp hợp lý cho chương trình và hướng đi mình theo đuổi.

Phương pháp chung trong giải quyết vấn đề là sử dụng các bộ công cụ như: Mô hình canvas cho dự án cộng đồng, xác định mục tiêu qua công cụ SMART, xác định nguồn lực – thuận lợi – hạn chế - rủi ro qua mô hình SWOT. Luôn tham chiếu với mục tiêu phát triển bền vững số 3 – 4 và 10 của Liên hợp quốc trong quá trình làm việc. Chớp thời cơ nhận sự hỗ trợ hợp pháp của các tổ chức chính phủ, phi chính phủ trong quá trình thực hiện. Những điều này sẽ giúp mô hình bền vững nhất có thể.

Công thức để Bão khởi nghiệp thành công là gì?

Theo mình, điều kiện cần sẽ là ý chí lập thân lập nghiệp, người ta sẽ phải có hướng đi riêng khác với đa số mọi người, cần thêm sự can đảm và thực sự quyết tâm, chấp nhận những khó khăn và rủi ro trước mắt và tất nhiên cần có sư đam mê trong cả công việc và tinh thần khởi nghiệp. Những điều này giúp người ta có thể khởi nghiệp, nhưng chìa khoá thành công thì lại cần thêm các điều kiện đủ như: Họ phải có kiến thức, các bộ công cụ như CANVAS, SMART, SWOT, nhánh cây, xương cá,... Cần có kỹ năng làm việc nhóm, tài chính, phân tích thị trường, quản lý, phân công và điều phối công việc. Họ cũng cần phải có những người cố vấn, những chương trình hỗ trợ, những cuộc thi và sân chơi để cọ sát. Khi có đầy đủ những yếu tố trên, tôi tin rằng tỷ lệ thành công sẽ tăng lên rất nhiều.

Người trẻ cần mạnh dạn, bước ra khỏi vùng an toàn đồng nghĩa với việc sẽ ở ‘vùng nguy hiểm’ điều này sẽ giúp cho chúng ta trưởng thành và làm chủ vận mệnh cuộc đời. Vậy nên hãy chủ động học hỏi kiến thức và kỹ năng qua các khoá học và sân chơi khởi nghiệp để chuẩn bị sẵn sàng cho hành trình phía trước.

 

 

 

Mai Hương
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
TP HCM Startup sử dụng năng lượng xanh có lợi thế khi xuất khẩu vào các thị trường lớn với yêu cầu trách nhiệm cộng đồng bên cạnh chất lượng, giá cả, theo lãnh đạo VCCI.  
Chương trình kế hoạch liên kết hợp tác
Với chủ đề "Đổi mới sáng tạo - Phát triển bền vững", sự kiện Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam (Techconnect and Innovation Vietnam 2023) là cầu nối thúc đẩy hợp tác đầu tư, nghiên cứu ứng dụng, phát triển công...
Câu chuyện khởi nghiệp thành công