Hội nghị Tổng kết Kế hoạch hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 2016-2020
Ngày cập nhật 29/09/2021

Chiều ngày 28/9/2021, tại Hội trường Khách sạn Saigon Morin, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức “Hội nghị Tổng kết Kế hoạch hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 2016-2020”.

Tham dự Hội nghị có đồng chí Hoàng Khánh Hùng - UVTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, đồng chí Nguyễn Thanh Bình - UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí Hồ Thắng - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN), cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh; các trường đại học, các viện, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân liên quan đến khởi nghiệp,…

Toàn cảnh Hội nghị.

Hội nghị được tổ chức nhằm tổng kết công tác hỗ trợ hệ sinh thái KNĐMST trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2016 - 2020 và  phương hướng triển khai giai đoạn 2021 - 2025. Trong thời gian qua, để triển khai thực hiện Đề án 844, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành nhiều văn bản qua các năm. Cũng trong thời gian này, UBND tỉnh đã ký thỏa thuận hợp tác với Quỹ Khởi nghiệp doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam về triển khai chương trình hỗ trợ đồng hành xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp tại Thừa Thiên Huế. Đánh giá hệ sinh thái đổi mới sáng tạo địa phương trong khuôn khổ hợp tác của Quỹ Khởi nghiệp doanh nghiệp khoa học và Công nghệ Việt nam (SVF) giai đoạn 2016-2019, SVF đánh giá Thừa Thiên Huế là địa phương có sự tăng trưởng nhanh, đã đạt được giai đoạn 1 “Xây dựng cộng đồng và các thành tố của hệ sinh thái” và giai đoạn 2 “Nâng cao năng lực các thành tố trong hệ sinh thái”,… qua đó đã giúp các hoạt động KNĐMST trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế trong gần 5 năm qua có nhiều khởi sắc, thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, các trường đại học, tổ chức thúc đẩy kinh doanh, vườn ươm, câu lạc bộ khởi nghiệp và cộng đồng khởi nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình đã đánh giá những mục đích và kết quả tạo lập đề án hỗ trợ hệ sinh thái KNĐMST tỉnh trong thời gian vừa qua. Theo đó, đồng chí Nguyễn Thanh Bình cho biết: “Thứ nhất, việc triển khai đề án đã có những chuyển biến tích cực, lan tỏađã tạo được nhiều điểm sáng, ý tưởng, dự án khởi nghiệp. Thứ hai, đã khơi dậy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp ở địa phươnghuy động được nhiều thành phần xã hội cùng tham gia; nhận thức và tư duy về khởi nghiệp của các tổ chức, nhóm cá nhân, cá nhân, doanh nghiệp ngày càng nâng cao. Công tác liên kết, hợp tác khởi nghiệp được đẩy mạnh, cộng đồng khởi nghiệp tỉnh ngày càng phát triển và kết nối tốt với các cộng đồng khởi nghiệp trong vùng và cả nước… Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác hỗ trợ phát triển khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn. Công tác hỗ trợ phát triển ý tưởng, dự án KNĐMST chưa mang tính đột phá. Một số ít đơn vị còn chưa quan tâm về nhiệm vụ, vai trò của mình trong môi trường chung của hệ sinh thái khởi nghiệp; chưa hỗ trợ, dẫn dắt các doanh nghiệp khởi nghiệp sau vượt qua các khó khăn gặp phải khi phát triển các ý tưởng, dự án khởi nghiệp trên thị trường…”.

Đồng chí Nguyễn Thanh Bình – UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu khai mạc Hội nghị.

Hoạt động KNĐMST trên địa bàn tỉnh đã tạo được những điểm sáng, giúp cổ vũ, khởi dậy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp ở địa phương

Hệ sinh thái KNĐMST là mô hình mà ở đó huy động được nhiều thành phần xã hội cùng tham gia hỗ trợ và thúc đẩy các ý tưởng sáng tạo, các dự án khởi nghiệp nhằm giúp các ý tưởng, dự án khởi nghiệp được phát triển đúng hướng, có khả năng thương mại hóa, thành lập thêm các doanh nghiệp và đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Được khởi tạo từ năm 2016, đến nay, hầu hết các thành tố đã được định hình và có ít nhiều đóng góp cho sự thúc đẩy và phát triển các hoạt động khởi nghiệp của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Báo cáo tổng kết tại Hội nghị, đồng chí Hồ Thắng - Giám đốc Sở KH&CN đã chỉ rõ, với những chính sách, kế hoạch sớm và thiết thực, bám sát tinh thần của Đề án 844 đã giúp hoạt động hỗ trợ KNĐMST trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có nhiều chuyển biến tích cực, lan tỏa đến nhiều sở, ban, ngành, địa phương, các tổ chức đoàn thể cũng như các tổ chức, cá nhân trên toàn tỉnh. Các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp cũng được kết nối để đồng hành và tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp. Nhờ sự chung tay của nhiều tổ chức, cá nhân, hoạt động KNĐMST trên địa bàn tỉnh đã tạo được những điểm sáng, giúp cổ vũ, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp ở địa phương.

Đồng chí Hồ Thắng - Giám đốc Sở KH&CN trình bày Báo cáo tổng kết tại Hội nghị.

Về thông tin, tuyên truyền về KNĐMST, đã xây dựng Cổng thông tin KNĐMST tỉnh Thừa Thiên Huế, phối hợp với Báo Thừa Thiên Huế, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại thành phố Huế, Đại học Huế, Sở Thông tin và Truyền thông và các câu lạc bộ khởi nghiệp, Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp,.. cùng đồng hành giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá thông tin về KNĐMST trên địa bàn tỉnh.

Về tổ chức các sự kiện kết nối cộng đồng KNĐMST, đã tham mưu phối hợp với Bộ KH&CN, Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN tổ chức Ngày hội KNĐMST vùng Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên năm 2018, chỉ đạo cơ quan liên quan phối hợp tổ chức hành trình chuyến xe khởi nghiệp nhằm hưởng ứng Ngày hội KNĐMST Quốc gia các năm 2018, 2019; Tham mưu tổ chức và hỗ trợ một số doanh nghiệp tham gia Ngày hội KNĐMST vùng hằng năm do Bộ KH&CN tổ chức. Qua đó, đã hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp có cơ hội giới thiệu, tiếp cận, trao đổi, chia sẻ, kết nối các nhà đầu tư, quỹ đầu tư và các doanh nghiệp, đồng thời giúp tìm kiếm thêm thị trường tiêu thụ sản phẩm để liên kết phát triển các ý tưởng, dự án khởi nghiệp trong thời gian đến.

Về tổ chức các hội thảo, hội nghị, diễn đàn hỗ trợ hệ sinh thái KNĐMST, đã triển khai tổ chức các chương trình như: Hội thảo “Nâng cao năng lực xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh”; tổ chức Diễn đàn Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo các năm 2017, 2018, 2019 và 2020; phát động cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” tỉnh Thừa Thiên Huế 2017, 2018, 2019, 2020, 2021; Đặc biệt là Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2020, đã kết hợp công bố Đề án Cố đô Khởi nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; tổ chức các hội nghị tổng kết và trao giải thưởng cuộc thi KNĐMST cấp tỉnh hằng năm, triển khai tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng về KNĐMST,…

Về triển khai và tổ chức các cuộc thi KNĐMST, đã triển khai tổ chức các cuộc thi KNĐMST cấp tỉnh, cấp cơ sở như: Sở KH&CN chủ trì tham mưu tổ chức cuộc thi cấp tỉnh; Đại học Huế chủ trì tổ chức cuộc thi khởi nghiệp trong giảng viên, sinh viên; Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tổ chức các cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp; một số trường đại học, cao đẳng cũng tổ chức cuộc thi khởi nghiệp trong sinh viên. Qua việc tổ chức các cuộc thi hằng năm, Ban Tổ chức cuộc thi, Sở KH&CN đã trình UBND tỉnh xem xét trao 32 giải thưởng cho các tổ chức, nhóm cá nhân, cá nhân có ý tưởng, dự án khởi nghiệp có tiềm năng phát triển nhất, đặc biệt trong các năm 2019, 2020 đã có các doanh nghiệp quan tâm, hưởng ứng, đồng hành và tham gia tặng thêm 08 giải thưởng cho các ý tưởng dự án dự thi như: Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Công ty Cổ phần Frit Huế, Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh, Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp KH&CN Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Công ty TNHH NNMTV Lâm Nghiệp Tiền Phong, Công ty Quản lý Đầu tư Khởi nghiệp Sáng tạo, Công ty Cổ phần Tư vấn và Đầu tư cộng hưởng, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại YesHue.

Những nỗ lực trong xây dựng và phát triển hệ sinh thái KNĐMST của Thừa Thiên Huế còn được ghi nhận tại Techfest vùng Bắc Trung Bộ năm 2018 (tại Nghệ An), khi hai dự án của Thừa Thiên Huế đã vinh dự đoạt giải nhất và cùng tranh tài với các địa phương khác trong Cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp tại Techfest 2018 được tổ chức ở thành phố Đà Nẵng vào cuối tháng 11/2018.

Bên cạnh đó, Đại học Huế đã tổ chức các hoạt động hỗ trợ để phát triển khởi nghiệp cho sinh viên như: “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo: Cơ hội và thách thức”, Cuộc thi "START-UP! Ý tưởng khởi nghiệp", Diễn đàn thắp lửa và kết nối doanh nghiệp, Chương trình "Kick - Off khởi nghiệp: Từ ý tưởng đến sản phẩm", tổ chức đào tạo cố vấn khởi nghiệp cho các giảng viên các trường đại học,… đặc biệt đã tổ chức Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đại học Huế lần thứ I (năm 2018), lần thứ II (năm 2019), lần thứ III (năm 2020), qua đó đã ươm tạo, hỗ trợ để hình thành các sản phẩm khởi nghiệp phát triển trên thị trường.

Trao tặng bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các tập thể, cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Kế hoạch hỗ trợ hệ sinh thái KNĐMST tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 2016-2020.

Về triển khai các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệpSở KH&CN đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức triển khai các khóa hướng dẫn, tập huấn liên quan đến hỗ trợ phát triển khởi nghiệp, như nâng cao năng lực cho đội ngũ chuyên gia cố vấn khởi nghiệp, tài chính trong khởi nghiệp, thiết kế truyền thông trong maketing cho các sản phẩm khởi nghiệp; kết nối khởi nghiệp, giới thiệu các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, đặc biệt là đã hỗ trợ 04 dự án đạt giải Cuộc thi KNĐMST năm 2020 thông qua thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh, hiện đang triển khai; Đại học Huế cũng tổ chức các hoạt động tập huấn, trưng bày, giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp, kết nối khởi nghiệp, các lớp đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên các trường đại học, cao đẳng; tổ chức các hội thảo, hội nghị, tập huấn về hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp, qua đó đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng và phát triển hệ sinh thái KNĐMST trên địa bàn tỉnh...

Ngoài ra, các đơn vị như Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế tỉnh, Tỉnh Đoàn Thừa Thiên Huế, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Viện Nghiên cứu phát triển, Qũy Đầu tư phát triển tỉnh, Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế, Công ty Cổ phần tư vấn và Đầu tư cộng hưởng, Câu lạc bộ Khởi nghiệp Huế, các trường đại học, cao đẳng, câu lạc bộ… cũng hưởng ứng tổ chức và tham gia các hoạt động xây dựng và phát triển KNĐMST trên địa bàn tỉnh.

Về xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động KNĐMST, UBND tỉnh đã thành lập Trung tâm KNĐMST Thừa Thiên Huế (trực thuộc Viện Nghiên cứu phát triển). Đại học Huế đã thành lập Trung tâm Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo; hình thành CLB Khởi nghiệp (Trường Đại học Nông lâm Huế), CLB Dynamics (Trường Đại học Kinh tế Huế), Vườn ươm khởi nghiệp - Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế; Về phía doanh nghiệp: Công ty Cổ phần tư vấn và Đầu tư cộng hưởng cũng đã xây dựng vườn ươm hỗ trợ khởi nghiệp; Khu hỗ trợ khởi nghiệp của Câu lạc bộ khởi nghiệp Huế.

Về xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển KNĐMSTđã thành lập Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế, đây là thiết chế quan trọng trong việc hỗ trợ, kết nối về tài chính các tổ chức, nhóm cá nhân, cá nhân trong việc đầu tư phát triển các ý tưởng, dự án khởi nghiệp trong thời gian đến; Nghị quyết số 21/2020/NQ-HĐND ngày 23/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định nội dung và mức chi hỗ trợ hệ sinh thái KNĐMST trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025; Nghị quyết số 22/2020/NQ-HĐND ngày 23/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ cải tiến, đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ và phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030 (trong đó có hỗ trợ khởi nghiệp)...

Nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp trong giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030

Theo Báo cáo tổng kết tại Hội nghị, với quan điểm phát triển doanh nghiệp là động lực của tăng trưởng kinh tế xã hội, tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng Đề án “Cố đô Khởi nghiệp, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” nhằm tập trung hỗ trợ phát triển hệ sinh thái KNĐMST, thúc đẩy hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp có tiềm năng phát triển công nghệ và mô hình kinh doanh mới, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tài sản trí tuệ và tiềm lực của địa phương để khởi sự kinh doanh và KNĐMST. Ưu tiên hỗ trợ các dự án KH&CN, ý tưởng KNĐMST cho các lĩnh vực tiềm năng như công nghệ thông tin  gắn với chương trình xây dựng đô thị thông minh, công nghệ sinh học, nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao trong y dược và phát triển sản phẩm mang thương hiệu Huế; Tăng cường tạo ra môi trường pháp lý và chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi sự kinh doanh, KNĐMST.

Xây dựng và phát triển hệ sinh thái KNĐMST của tỉnh, tập trung vào đối tượng thanh niên, học sinh các trường trung học phổ thông, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, người lao động tại nông thôn, thành thị và doanh nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; chú trọng nâng cao nhận thức và năng lực của phụ nữ về KNĐMST; khuyến khích nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, gia tăng giá trị trong doanh nghiệp, lấy KH&CN và đổi mới sáng tạo làm nền tảng phát triển kinh tế-xã hội, nhằm từng bước xây dựng Thừa Thiên Huế thành tỉnh khởi nghiệp, góp phần thực hiện thành công Đề án hỗ trợ hệ sinh thái KNĐMST Quốc gia đến năm 2025.

Bên cạnh đó, các nhiệm vụ tạo môi trường hỗ trợ KNĐMST sẽ tập trung vào: Cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế tiềm năng; Xây dựng chiến lược và thể chế chính sách để phát triển các ngành trọng điểm, tạo môi trường thúc đẩy khởi sự kinh doanh, KNĐMST; Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương nhằm thúc đẩy hoạt động khởi sự kinh doanh và KNĐMST. Các nhiệm vụ hỗ trợ hoạt động KNĐMST sẽ chú trọng đến các hoạt động: Thông tin, tuyên truyền về KNĐMST; Tổ chức các sự kiện kết nối cộng đồng KNĐMST; Xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động KNĐMST; Phát triển hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực và dịch vụ cho hệ sinh thái KNĐMST; Tổ chức kết nối và hỗ trợ hoạt động hệ sinh thái khởi nghiệp; Hỗ trợ phát triển KNĐMST.

Ông Cung Trọng Cường - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh, Giám đốc Trung tâm KNĐMST trình bày tham luận tại Hội nghị.

Bà Lê Thị Hồng Thanh - Phó Chủ tịch thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh trình bày tham luận “Hỗ trợ phát triển các ý tưởng, dự án khởi nghiệp của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và định hướng hỗ trợ trong thời gian tới”.

Tại Hội nghị, các đại biểu, khách mời cũng đã có những bài trình bày tham luận, cụ thể: ông Cung Trọng Cường - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh, Giám đốc Trung tâm KNĐMST với tham luận “Tìm kiếm, ươm tạo và hỗ trợ phát triển các ý tưởng, dự án khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế và giải pháp phát triển”; ông Hoàng Kim Toản - Giám đốc Trung tâm KN & ĐMST, Đại học Huế với tham luận “Một số thuận lợi, khó khăn trong công tác hỗ trợ ươm tạo và phát triển các ý tưởng, dự án khởi nghiệp và giải pháp đẩy mạnh phát triển khởi nghiệp”; bà Lê Thị Hồng Thanh - Phó Chủ tịch thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh với tham luận “Hỗ trợ phát triển các ý tưởng, dự án khởi nghiệp của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và định hướng hỗ trợ trong thời gian tới” và bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV SXTM và Dịch vụ HICHAGOL với tham luận “Một số vấn đề liên quan đến phát triển ý tưởng, dự án khởi nghiệp thành các sản phẩm thương mại trên thị trường”.

Các đại biểu, khách mời tham gia phát biểu ý kiến tại Hội nghị.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, đồng chí Hồ Thắng - Giám đốc Sở KH&CN cũng đã thông tin về tình hình triển khai Cuộc thi KNĐMST tỉnh năm 2021 và khuyến khích các cá nhân, tổ chức, dự án khởi nghiệp nhanh chóng nộp hồ sơ đăng ký dự thi về Ban Tổ chức để tổng hợp. Đồng thời, đề nghị các sở ngành, các cơ quan truyền thông, các trường đại học, cao đẳng, các tổ chức hội, hiệp hội đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền và các hoạt động để thúc đẩy phong trào KNĐMST. Giám đốc Sở KH&CN tin tưởng rằng, với sức sáng tạo, khả năng học hỏi, bền bỉ trong cộng đồng khởi nghiệp của tỉnh cùng với sự quan tâm, góp sức, sự vào cuộc của các cơ quan đơn vị, sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự hỗ trợ của Bộ KH&CN, sự tham gia có trách nhiệm, tâm huyết của các tổ chức, cá nhân, các nhà khoa học và sự quyết tâm của đội ngũ cán bộ các cấp sẽ góp phần đưa hoạt động KNĐMST đi vào thực chất, góp phần triển khai hiệu quả “Đề án Cố đô Khởi nghiệp” trong giai đoạn tiếp theo.

BBT
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
TP HCM Startup sử dụng năng lượng xanh có lợi thế khi xuất khẩu vào các thị trường lớn với yêu cầu trách nhiệm cộng đồng bên cạnh chất lượng, giá cả, theo lãnh đạo VCCI.  
Chương trình kế hoạch liên kết hợp tác
Với chủ đề "Đổi mới sáng tạo - Phát triển bền vững", sự kiện Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam (Techconnect and Innovation Vietnam 2023) là cầu nối thúc đẩy hợp tác đầu tư, nghiên cứu ứng dụng, phát triển công...
Câu chuyện khởi nghiệp thành công