Đinh Hoài Xuân: Đục trong tiếng trung hồ cầm
Ngày cập nhật 21/09/2021

Hơn 20 năm ngược xuôi theo tiếng đàn cello (trung hồ cầm), Đinh Hoài Xuân đã mang lại một làn gió mới cho âm nhạc ở trong và ngoài nước bằng sự kết hợp độc đáo giữa những thanh điệu thính phòng và dân ca Việt Nam qua dự án Cello Fundamento (CF). Nhân sau một năm tham dự và đạt giải Ba cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2020, chúng tôi có cơ hội gặp lại và trò chuyện với chủ nhân dự án khởi nghiệp tương đối “lạ” này.

Nghệ sỹ Đinh Hoài Xuân tại buổi biểu diễn Cello Fundamento 4 (Ảnh: Thiếu Anh).

Thành danh nơi đất khách

*Chào chị, chị và cây đàn cello bắt đầu bén duyên từ khi nào?

Xin chào! Xuân bắt đầu bén duyên với âm nhạc chuyên nghiệp từ năm 10 tuổi, nhưng mãi tới năm 19 tuổi, Xuân mới có cơ duyên với cây đàn cello. Sau đó Xuân cứ bền bỉ, lặng lẽ theo đuổi nó và lần lượt tốt nghiệp Thạc sĩ biểu diễn Violoncello tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, tiếp đến là giành được học bổng Tiến sĩ của cả hai Chính phủ Việt Nam và Romania chuyên ngành Biểu diễn cello tại Đại học Âm nhạc Quốc gia Bucharest. Năm 2019 thì Xuân hoàn thành tu nghiệp tại Romania với tấm bằng Tiến sĩ, đó là cả một chặng đường học âm nhạc.

*Là một soloist trong dòng chảy âm nhạc cổ điển, làm thế nào để chị khẳng định được bản thân mình trong vô số những người khác?

Mình nghĩ ngoài việc luyện tập liên tục hằng ngày thì bản thân nghệ sĩ phải tự tìm lấy con đường đi cho riêng mình và bền bỉ nỗ lực với con đường đó. Con đường mà Xuân chọn chính là đưa từng thanh âm của cello đến với âm nhạc đại chúng tại Việt Nam. Và để theo đuổi nó, mình đã bỏ ra 22 năm dài dằng dặc từ Sơ cấp âm nhạc đến Tiến sĩ. Sự kết hợp giữa nghiên cứu và biểu diễn sẽ giúp mình có một chỗ đứng khá bền vững.

Người ta nói âm nhạc có thể tạo ra những phương trời thấu cảm cho người nghe. Và thực tế là như vậy, nếu bạn sống ở châu Âu đủ lâu, bạn sẽ hiểu người ta rất muốn đi tìm những cung bậc mới cho âm nhạc, đó có thể là sự giao thoa văn hóa trong những quãng 8 đầy duy lý. Chính vì thế nên để khẳng định mình, Xuân chọn tiếng đàn cello làm cầu nối văn hóa Việt Nam và nền âm nhạc hàn lâm phương Tây.

*Theo chị sự khác biệt giữa môi trường âm nhạc ở những nơi chị lưu diễn và ở nước ta là gì?

Chất lượng biểu diễn, chất lượng nghe của khán giả và khác cả về số lượng mức độ thường xuyên của các concert được biểu diễn… Xuân nghĩ một trong những tiêu chí của người công dân toàn cầu đó chính là sự hào hứng với âm nhạc, xem âm nhạc như là ngôn ngữ giao tiếp. Kì thực ở các nước phương Tây, người ta có thể dùng âm nhạc như là kênh giao tiếp đời thường, trong khi đó ở Việt Nam việc này diễn ra còn khá là khiêm tốn.

*Tại sao lại là Beethoven, Mozart, Schubert… với âm nhạc truyền thống Việt Nam trong các số biểu diễn của mình? 

Đó là nét riêng không chỉ cho khán giả Việt Nam mà còn cả cho khán giả quốc tế. Khán giả Việt Nam làm quen dần các tác phẩm kinh điển của các nhà soạn nhạc thiên tài thế giới cùng với sự thích thú khi nghe các làn điệu dân ca dưới hình thức giao hưởng thính phòng. Còn với khán giả quốc tế thì nét nhạc dân gian Việt Nam là cầu nối văn hóa giúp họ hiểu hơn, gần hơn về con người, âm nhạc và nét đẹp trong các làn điệu dân gian vùng miền của đất nước Việt Nam. 

*Chị có thể chia sẻ đôi chút về những hoạt động của mình ở thời điểm hiện tại?

Hiện tại do ảnh hưởng của dịch bệnh nên mình tập trung tập luyện và chuyển đổi số. Các tác phẩm biểu diễn của mình được chuyển đổi số lên các nền tảng nhạc số trên toàn thế giới như Spotify, Amazon, Itunes music, Tidal… ngoài ra mình còn kết nối các nghệ sĩ trong nước chuẩn bị thực hiện hòa nhạc online gây quỹ vắc xin… Và như các bạn đã biết, vừa rồi mình gọi vốn thành công từ Shark Tank Việt Nam nên mình và ekip cũng đang chuẩn bị kỹ lưỡng cho hòa nhạc cổ điền quốc tế Cello Fundamento 6 (CF6) của năm 2022 ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Nếu tình hình dịch bệnh tiến triển tốt hơn thì dự định CF6 sẽ được tổ chức cả ở Việt Nam và Nhật Bản. 

Về quê hương để khởi nghiệp

*Điều gì đã khiến một Đinh Hoài Xuân được giới mộ điệu công nhận lại chọn Huế để tham dự cuộc thi khởi nghiệp hằng năm của tỉnh, theo chị?

Đó là cái duyên, với Huế thì tình yêu mảnh đất này trong Xuân luôn đong đầy. Có bất kì cơ hội nào giới thiệu về Việt Nam với bạn bè quốc tế thì mình luôn chọn Huế làm chủ đề cho cuộc trò chuyện đó. Cũng như vậy, nếu góp được phần nhỏ lan tỏa âm nhạc Huế ra với bạn bè quốc tế như trong CF3 mình chọn bài Lý Ngựa Ô Huế để biểu diễn cùng 8 nghệ sĩ của các nước thì mình luôn ưu tiên và thấy hạnh phúc. Tham dự cuộc thi KNĐMST do Huế tổ chức vừa qua thì với Xuân đây cũng là dịp để giới thiệu hình thức âm nhạc mới kết hợp giữa giao hưởng với làn điệu dân ca Huế cho chính người Huế thưởng thức và khán giả khắp nơi biết đến sự kết hợp tuyệt vời này. Đó cũng là điểm mới lạ và mình hy vọng sẽ góp phần nhỏ bé trong dự án này để Huế ngày càng phát triển và có thêm nhiều sự phong phú về đời sống văn hóa tinh thần nơi đây. 

Cello Fundamento cùng các dự án khác đạt giải Ba cuộc thi KNĐMST tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2021.

*Nhiều người thắc mắc khi dự án khởi nghiệp của chị rất “thuần túy” về mặt tinh thần, vậy thì trong quá trình phát triển dự án CF chị đã gặp những khó khăn gì?

Mỗi người đều cần có một sức khoẻ tinh thần tuyệt diệu bởi điều đó có khi còn chữa lành cả những nỗi đau về thể xác. Một dự án đề cao tinh thần bằng âm nhạc cũng là điều rất tốt đẹp, mà âm nhạc chính là điều tuyệt diệu cần có trong mỗi tâm hồn chúng ta. 

Nhưng để cái tinh thần đó phát triển được thì chính những cản trở về mặt vật chất là những yếu tố cần được ưu tiên giải quyết đầu tiên. Khi đó mới có sự cân bằng và phát triển được. Dự án CF cũng đi theo quy trình đó.

*Đến nay, CF đã trải qua 5 số, điều gì khiến chị nghĩ dự án này có thể đi xa hơn nữa?

Đó là vì một tình yêu bền bỉ với cello cũng như âm nhạc cổ điển và tinh thần quyết tâm cao độ cùng sự tập trung lao động nghiêm túc. Mình vạch ra kế hoạch và chiến lược làm việc cụ thể rõ ràng cùng ekip của mình với tinh thần “ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Mình thấy may mắn bởi đến nay trải qua 5 số, CF đã có một ekip cùng chí hướng và cùng đồng lòng thực hiện dự án mỗi năm. 

*Đã một năm từ lúc chị tham dự cuộc thi KNĐMST tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2020, bản thân dự án đã được và chưa được những gì, theo chị?

Mình tiếp tục đưa các làn điệu dân ca Huế vào các danh sách biểu diễn của mình, tuy nhiên dịch bệnh đã làm ngưng đọng mọi dự án, mình hy vọng dịch bệnh nhanh chóng qua đi để mọi hoạt động được tiếp tục và phát triển. Sau khi tham dự cuộc thi mà tỉnh tổ chức năm 2020 thì mình đã thực hiện 1 tác phẩm mới mang tên “Lý mười thương - Biết đâu cội nguồn” theo hình thức mashup, tác phẩm được hết hợp giữa cello, đàn tranh, hợp xướng và dàn nhạc dây. Ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát mình và ekip dự định sẽ về Huế để ghi hình về tác phẩm mới này và hy vọng sớm public để công chúng thưởng thức. Đó cũng là một sản phẩm âm nhạc tâm huyết mà Xuân muốn dành để tri ân mảnh đất Cố đô Huế bởi 12 năm tuổi thơ Xuân đã lớn lên nơi đây. 

Ngoài ra, Xuân cũng có kết nối với những dự án khác trong hệ sinh thái KNĐMST của tỉnh, chẳng hạn như dự án tMontior với tư cách là đại sứ môi trường để lan tỏa thông điệp cùng chung tay “Bảo vệ môi trường chính là bảo vệ những gì thân yêu nhất của chúng ta”.

Đinh Hoài Xuân hiện là đại sứ thương hiệu của tMonitor – một dự án mang lại giải pháp những giải pháp trong lành cho môi trường không khí.

*Ngoài các số của CF, chị còn có tổ chức những concert nào khác không?

Ngoài tổ chức và biểu diễn trong chuỗi CF hằng năm, mình tham gia biểu diễn các chương trình trong nước cũng như quốc tế, và một số chương trình trong nước thuộc Nhà nước, truyền hình. Ở nước ngoài thì có Festival hằng năm ở các nước, mình cũng nhận được một số lời mời biểu diễn solo với dàn nhạc giao hưởng như Festival mùa Xuân Primavarii ở biên giới Rumani Hungary… và nhận lời biểu diễn ở một số hoạt động ngoại giao văn hóa của Đại Sứ quán Rumani… 

Ở Huế thì mình rất mong sớm có dịp đưa CF về biểu diễn tặng khán giả thân yêu nơi đây. Nhưng một dự án đặc biệt được thực hiện từ năm 2020 đã được UBND thành phố Huế đồng ý tán thành đó là dự án “Một triệu bàn tay chạm cello” khi mang cello và âm nhạc cổ điển đến các trường học trên toàn quốc, Thì Huế là nơi mình đã đến đầu tiên trong dự án này. Tại đây, mình sẽ đến các trường đại học như: Đại học Sư phạm Huế, Khoa Công nghệ Đại học Huế, Đại học Phú Xuân… để trò chuyện về âm nhạc cổ điển và biểu diễn giao lưu với sinh viên các trường… Mình cũng được biết rằng, sinh viên Huế nói chung rất hào hứng với âm nhạc cổ điển và cây đàn cello mà mình mang tới…

*Những kế hoạch sắp tới của chị là gì?

Tập luyện, tập luyện, tập luyện và tổ chức biểu diễn!

*Cám ơn chị về cuộc trò chuyện.

 

Ngọc Hà
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
TP HCM Startup sử dụng năng lượng xanh có lợi thế khi xuất khẩu vào các thị trường lớn với yêu cầu trách nhiệm cộng đồng bên cạnh chất lượng, giá cả, theo lãnh đạo VCCI.  
Chương trình kế hoạch liên kết hợp tác
Với chủ đề "Đổi mới sáng tạo - Phát triển bền vững", sự kiện Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam (Techconnect and Innovation Vietnam 2023) là cầu nối thúc đẩy hợp tác đầu tư, nghiên cứu ứng dụng, phát triển công...
Câu chuyện khởi nghiệp thành công