Người thổi hồn cho tranh hoa giấy Maypaperflower
Ngày cập nhật 21/05/2021

Tóc ngắn, dáng người dễ thương, thỉnh thoảng phát biểu ý kiến tại những cuộc hội thảo do Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức - đó là những ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi tiếp xúc và gặp gỡ với cô gái này. Phan Ngọc Hiếu, cái tên người ta thường đặt cho con trai lại là tên của cô gái sinh năm 1989, đã từ bỏ công việc 8 năm làm ngân hàng để đến với môn nghệ thuật hội hoạ, như một sự tình cờ, một sự yêu thích và giờ đây là một sự đam mê để đến bây giờ, qua bàn tay của Hiếu, giấy đã nở hoa.

Vào tháng 12/2020, khi Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế được tổ chức, chúng tôi có dịp được nghe Phan Ngọc Hiếu thuyết trình dự án “Tranh hoa giấy Maypaperflower phát triển bền vững cùng với Huế”. Tại buổi thuyết trình ý tưởng dự án, Hiếu đã chia sẻ sự tình cờ và “bén duyên” khi đến với bộ môn nghệ thuật này. Đó là sau chuyến du lịch về làng hoa giấy Thanh Tiên (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế), cô tự làm những bông hoa giấy như một sự yêu thích.

“Tôi là người con sinh ra và lớn lên ở Huế nên những cảnh sắc và văn hóa Huế ăn sâu vào tôi. Tôi muốn chia sẻ với bạn về câu chuyện của tôi, câu chuyện về hoa giấy. Bản thân tôi là người yêu thiên nhiên cỏ cây hoa lá, bất cứ đi đâu làm gì cứ có hoa là tôi dừng lại ngắm đôi chút hay chụp ảnh lại. Dần dần tôi muốn sáng tạo ra một cái gì đó để lưu lại những hình ảnh của các bông hoa tôi thích, tôi làm hoa từ nhiều chất liệu khác nhau (chỉ làm chơi thôi bởi lúc đó mình làm ngành khác không liên quan gì đến nghệ thuật). Sau đó, một lần tình cờ mình đến với làng nghề hoa giấy Thanh Tiên và cảm thấy bị thu hút chất liệu làm hoa này. Tôi nảy ra ý tưởng thử làm hoa với chất liệu giấy mỹ thuật cầu kì hơn với cách làm mô phỏng những bông hoa thật. Đó là từ thời điểm cách đây 6 năm, tôi tự tìm tòi và học hỏi về lĩnh vực nghệ thuật hoa giấy và bắt đầu từ những bông hoa cắm bình”, Hiếu chia sẻ.

Phan Ngọc Hiếu bên sản phẩm hoa giấy của mình

Sản phẩm lúc đầu làm ra để trưng trong nhà và chỉ tặng bạn bè, đồng nghiệp. Song, qua thời gian, Hiếu nhận ra mình không chỉ yêu mà say mê những bông hoa giấy. Cô thích những đóa hoa sặc sỡ được tạo hình bởi đôi bàn tay khéo léo của nghệ nhân và thích thú khi tự mình làm ra những đóa hoa tương tự. Rồi một ngày người thân, bạn bè ngỡ ngàng khi Ngọc Hiếu quyết định chia tay công việc làm nhân viên ngân hàng để “dấn thân” và biến giấy thành hoa. Hiếu cho biết, cô đi du lịch nhiều nơi và tiếp xúc với nhiều bạn kiến trúc hay mỹ thuật nên cô muốn có một sự kết hợp giữa thủ công mỹ nghệ kết hợp với hiện đại mang đến một nét mới cho các sản phẩm thủ công mỹ nghệ ở Huế. Hiếu nảy ra ý tưởng đưa hoa giấy lên khung gỗ kính tạo ra những bức tranh sinh động nhiều màu. Từ đó có thể ứng dụng tốt với kiến trúc hiện đại hơn, gần gũi hơn với mọi người cũng như trong sự thuận tiện trong quá trình vận chuyển sản phẩm đến với nhiều nơi, để quảng bá một phần sự khéo léo của con người Huế nói riêng và Việt Nam nói chung. Thương hiệu Maypaperflower cũng ra đời từ đó.

“Tạo ra cảm hứng tốt hơn cho cảm xúc của bạn”

Đó là tầm nhìn của Maypaperflower. Maypaperflower chọn chất liệu tiêu chí thân thiện với môi trường cho các sản phẩm của mình có tác động tuyên truyền xu hướng lối sống xanh tới mọi người. Với lợi thế kế thừa trên nền tảng truyền thống của làng nghề hoa giấy Thanh Tiên đã có lâu đời ở Huế và thêm vào đó với sự sáng tạo của tuổi trẻ cùng mô hình khởi nghiệp bền vững của mình, thương hiệu Maypaperflower dần được các đối tác lớn trong và ngoài nước đón nhận.

Lợi thế của Ngọc Hiếu là có năng khiếu nghệ thuật và sở hữu một quầy hoa tươi nhưng hơn hết, cô có trách nhiệm với quyết định của chính mình. Tập trung tìm kiếm cơ hội mới cho hoa giấy, Maypaperflower (số 3 Hùng Vương, thành phố Huế) đem lại những sản phẩm ứng dụng trong trang trí nhà cửa. Tác phẩm được cân nhắc từ màu sắc, ý nghĩa loài hoa để phù hợp với ý thích của gia chủ. Sau khi Ngọc Hiếu và cộng sự tham gia Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và được giải A do Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ chọn và trao giải, sản phẩm của Maypaperflower được mọi người biết đến nhiều hơn. Sản phẩm làm được bao nhiêu bán được bấy nhiêu, không chỉ khách trong nước mà qua mạng xã hội, những bức tranh kết hợp giữa cấu trúc hoa giấy làng Thanh Tiên đã đem đến cho người xem một cảm giác thoải mái. Những sản phẩm đủ màu đủ sắc đã nâng tầm giá trị với sự kết hợp hài hòa giữa hội họa và hoa giấy.

“Sản phẩm tranh hoa giấy của Maypaperflower là những câu chuyện của tôi, người dùng, đem đến và lưu giữ những khoảng khắc của cuộc sống. Nên giá trị mà Maypaperflower mong muốn mang lại là “Tạo ra cảm hứng tốt hơn cho cảm xúc của bạn” Design to inspire, Ngọc Hiếu bày tỏ.

Hiện nay Maypaperflower đã, đang và sẽ triển khai các hoạt động marketing và quảng bá hoạt động sản xuất thủ công trong và ngoài nước cũng như tìm kiếm cơ hội hợp tác bền vững trong kinh doanh với các đối tác tiềm năng nhằm đưa sản phẩm thủ công của tỉnh Thừa Thiên Huế vươn ra ngoài địa phương và thị trường quốc tế.

Để kết thúc bài viết này, chúng tôi xin được chia sẻ câu nói rất ấn tượng của Ngọc Hiếu để thấy được rằng, sản phẩm tranh hoa giấy được tạo ra không chỉ đơn thuần là sự đam mê mà đó là một sự nghiên cứu khoa học, một con đường khởi nghiệp nghiêm túc và thực thụ. “Tôi tin rằng, với sản phẩm tranh hoa giấy Maypaperflower, không chỉ là một sản phẩm thủ công đơn thuần mà còn góp phần quảng bá câu chuyện văn hóa về ngành nghề thủ công truyền thống mang hơi thở đương đại và là nguồn cảm hứng về sáng tạo đổi mới để tô điểm cho “Giấc mơ Huế” trong góc nhìn của quốc tế và người dân Huế”

Võ Minh Anh Trí
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
TP HCM Startup sử dụng năng lượng xanh có lợi thế khi xuất khẩu vào các thị trường lớn với yêu cầu trách nhiệm cộng đồng bên cạnh chất lượng, giá cả, theo lãnh đạo VCCI.  
Chương trình kế hoạch liên kết hợp tác
Với chủ đề "Đổi mới sáng tạo - Phát triển bền vững", sự kiện Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam (Techconnect and Innovation Vietnam 2023) là cầu nối thúc đẩy hợp tác đầu tư, nghiên cứu ứng dụng, phát triển công...
Câu chuyện khởi nghiệp thành công