Ông Hồ Thắng phát biểu tại Hội nghị triển khai và phát động cuộc thi
“Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2020”
Phát động cuộc thi
Ngày 9/7/2020, tại Khách sạn Century Huế, Sở KH&CN tổ chức Hội nghị triển khai và phát động cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2020”. Dự Hội nghị có đồng chí Bùi Thanh Hà, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy; ông Hồ Thắng, Phó Giám đốc phụ trách Sở KH&CN, Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi, cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và đông đảo học sinh, sinh viên, tổ chức, cá nhân khởi nghiệp ở trên địa bàn.
Theo ông Hồ Thắng, Phó Giám đốc phụ trách Sở KH&CN, mục đích cuộc thi là khuyến khích các ý tưởng, dự án khởi nghiệp có ứng dụng công nghệ, như công nghệ mới, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, công nghệ xanh, công nghệ sạch, công nghệ bảo vệ môi trường, công nghệ năng lượng mới, công nghệ vật liệu mới và các loại công nghệ cao, hiện đại, tiên tiến nhằm tạo ra sản phẩm, dịch vụ có chất lượng. Qua đó tìm kiếm, chọn lọc, tôn vinh và hỗ trợ các dự án khởi nghiệp sáng tạo tiềm năng trong giai đoạn khởi nghiệp; góp phần thực hiện hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, là hoạt động kết nối để kêu gọi đầu tư, tài trợ của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cho các sản phẩm, dự án khởi nghiệp sáng tạo tiềm năng; đồng thời, góp phần hưởng ứng và thực hiện các hoạt động phát triển phong trào quốc gia khởi nghiệp của Chính phủ.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Bùi Thanh Hà đề nghị Ban Tổ chức cùng các sở, ban, ngành, đoàn thể cần quan tâm làm tốt hơn công tác tuyên truyền, phổ biến và quảng bá rộng rãi, mạnh mẽ hơn nữa về cuộc thi, từ đó thu hút được đông đảo mọi đối tượng cùng tham gia, đóng góp thêm những ý tưởng hay, những sáng tạo mới có ích cho xã hội và có giá trị thực tiễn, phục vụ hiệu quả cho sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương Thừa Thiên Huế cũng như đất nước trong thời kỳ đổi mới. Bên cạnh đó, Ban tổ chức cũng cần tiếp tục thúc đẩy các kết quả của Cuộc thi vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội; đưa sản phẩm khởi nghiệp vươn xa hơn, cạnh tranh được tầm quốc gia, khu vực. Đồng thời khẳng định, lãnh đạo tỉnh sẽ tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi để có một môi trường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thuận lợi nhất, cũng như mong các cơ quan, ban, ngành đoàn thể, các doanh nghiệp quan tâm đồng hành, hỗ trợ để Cuộc thi ngày càng đạt hiệu quả cao, mang lại nhiều kết quả thiết thực cho xã hội.
Đặt hàng đề tài KH&CN cho dự án đạt giải nhất
Đây là điểm mới và ấn tượng nhất trong cơ cấu giải thưởng của thể lệ Cuộc thi KNĐMST năm 2020. Theo đó, UBND tỉnh trao giấy chứng nhận và kinh phí hỗ trợ cho 01 Giải nhất trị giá 30.000.000 đồng (Ba mươi triệu đồng). Đồng thời, sẽ thành lập hội đồng KH&CN thẩm tra, hoàn chỉnh dự án để trình Chủ tịch UBND tỉnh đặt hàng bằng hình thức thực hiện đề tài KH&CN.
Theo Ban tổ chức cuộc thi, thì qua đánh giá kết quả các cuộc thi lần trước, hầu hết các dự án, ý tưởng đạt giải cao là những dự án khởi nghiệp có tính sáng tạo, khả thi cao, khai thác các tiềm năng, lợi thế của địa phương hoặc giải quyết các vấn đề cụ thể, thực tiễn của xã hội. Bên cạnh đó, các giải pháp, quy trình, sản phẩm của các dự án đạt giải có khả năng thương mại hóa cao và rất hiệu quả nếu được hoàn thiện để nhân rộng.
Ông Ngô Thuần, Trưởng phòng Quản lý Công nghệ và Chuyên ngành, Sở KH&CN cho biết: Để hướng các ý tưởng, dự án đến tính “chuyên nghiệp”, giúp cho các cá nhân, tổ chức khởi nghiệp có lộ trình phát triển thì cơ quan quản lý nhà nước cần phải đồng hành cùng với các ý tưởng, dự án. Theo đó, năm nay, Ban tổ chức cuộc thi sẽ chọn giải nhất của cuộc thi để hỗ trợ tác giả hoàn thiện các nội dung của dự án theo hình thức của nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh. Sau khi hoàn thiện, chúng tôi sẽ tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt nhiệm vụ KH&CN để triển khai theo hình thức đặt hàng như các nhiệm vụ KH&CN khác. Hy vọng đây sẽ là “cú hích” cho các đối tượng tham gia cuộc thi cũng như giúp cho UBND tìm ra một “kênh mới” trong việc giao nhiệm vụ KH&CN hàng năm có hiệu quả và thực tế.
Ngoài giải nhất với cơ cấu giải thưởng như trên, UBND tỉnh sẽ trao giấy chứng nhận và kinh phí hỗ trợ cho 02 Giải nhì, mỗi giải trị giá: 20.000.000 đồng (Hai mươi triệu đồng); 03 Giải ba, mỗi giải trị giá: 15.000.000 đồng (Mười lăm triệu đồng). Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh (nguồn kinh phí của Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh) cũng sẽ trao 01 giải A: 10.000.000 đồng (Mười triệu đồng chẵn); 02 giải B, mỗi giải 5.000.000 đồng (Năm triệu đồng chẵn).
Theo Quyết định số 1286/QĐ-UBND ngày 29/5/2020 của UBND tỉnh ban hành thể lệ cuộc thi KNĐMST tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2020 thì đối tượng dự thi được mở rộng cho tất cả các tổ chức, nhóm cá nhân, cá nhân với những ý tưởng, dự án khởi nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới dự kiến triển khai trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Mỗi tổ chức, nhóm cá nhân, cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp có thể tham gia một hay nhiều ý tưởng, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Các tổ chức, nhóm cá nhân, cá nhân có thể đăng ký dự thi các ý tưởng, dự án khởi nghiệp thuộc tất cả các ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Khuyến khích các ý tưởng, dự án khởi nghiệp dự thi có ứng dụng công nghệ, như: Công nghệ mới, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, công nghệ xanh, công nghệ sạch, công nghệ bảo vệ môi trường, công nghệ năng lượng mới, công nghệ vật liệu mới và các loại công nghệ cao, hiện đại, tiên tiến nhằm tạo ra sản phẩm, dịch vụ có chất lượng.
Về tiêu chí chấm điểm ý tưởng, dự án khởi nghiệp gồm: Tính đổi mới sáng tạo của ý tưởng, dự án; khả năng thương mại hóa, khả năng tăng trưởng của ý tưởng, dự án; mô hình/kế hoạch kinh doanh hoàn thiện của ý tưởng, dự án; mức độ tác động và ý nghĩa về kinh tế-xã hội của ý tưởng, dự án mang lại; nguồn lực thực hiện ý tưởng, dự án; khả năng thuyết trình (đối với vòng chung kết); các tiêu chí khác liên quan đến tính khả thi và hiệu quả của ý tưởng, dự án. Nội dung và thang điểm cụ thể do Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi chức quy định. Theo đó, cuộc thi KNĐMST tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2020 gồm có 2 vòng: Vòng sơ khảo, Hội đồng Giám khảo xét tuyển các hồ sơ dự thi để lựa chọn các hồ sơ xuất sắc tham gia vào vòng chung kết cùng các hoạt động hỗ trợ như tổ chức tập huấn về kỹ năng thuyết trình; lập kế hoạch; tổ chức kết nối cố vấn khởi nghiệp cho các tổ chức, nhóm cá nhân, cá nhân có ý tưởng, dự án khởi nghiệp được chọn tham gia vào vòng chung kết. Vòng chung kết, Hội đồng Giám khảo lựa chọn các hồ sơ xuất sắc tương ứng với các mức hỗ trợ. Đại diện các tác giả của hồ sơ dự thi được lựa chọn từ vòng sơ khảo sẽ thuyết trình và trả lời câu hỏi trước Hội đồng Giám khảo, các nhà đầu tư, khán giả.
Theo thông báo mới nhất của Ban tổ chức cuộc thi thì hạn cuối nhận hồ sơ dự thi: đến 17 giờ 00, ngày 30/9/2020; vòng sơ khảo, vòng chung kết được tổ chức vào tháng 10/2020. Công bố kết quả và tổ chức trao giải vào cuối tháng 10/2020.