Hội thảo được tổ chức nhằm trao đổi, thảo luận những giải pháp triển khai thực hiện thành công các mục tiêu của nghị quyết và chiến lược đã đặt ra thiết thực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của vùng Bắc Trung Bộ. Cụ thể với các nội dung chính như đánh giá việc triển khai thực hiện các Nghị quyết về phát triển KT-XH và đảm bảo quốc phòng, an ninh của vùng; Triển khai Chiến lược phát triển KH,CN&ĐMST đến năm 2030 và xây dựng bộ chỉ số ĐMST địa phương và các chương trình KH&CN trọng điểm cấp Quốc gia tại vùng Bắc Trung Bộ.
Tham dự tại Hội thảo có đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ KH&CN; đại diện Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh, các Sở, ban, ngành, các huyện, thành phố của tỉnh Thừa Thiên Huế; đại diện lãnh đạo UBND, Sở KH&CN và các đơn vị trực thuộc của các tỉnh gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam; cùng đại diện lãnh đạo các Vụ, Viện, trường đại học, nhà khoa học, doanh nghiệp ở Trung ương và địa phương.
Ông Bùi Thế Duy - Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ KH&CN phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy đánh giá cao sự phối hợp giữa đơn vị trực thuộc Bộ cùng các Sở KH&CN vùng Bắc Trung Bộ tổ chức sự kiện ngày hôm nay. Hội thảo cũng góp phần thúc đẩy liên kết các thành phần của hệ sinh thái vùng (doanh nghiệp khởi nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu, quỹ đầu tư, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp...) với hệ sinh thái ĐMST quốc gia và quốc tế; tạo dựng và lan tỏa tinh thần ĐMST tại địa phương.
Theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, việc phát triển hệ sinh thái ĐMST cũng như phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST không phải là một phong trào mà cần phải đi vào thực chất. Và làm thế nào để kết quả KH&CN không nằm trong ngăn kéo mà phải đồng hành cùng doanh nghiệp triển khai, ứng dụng để phát triển, hình thành nên những doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST thành công, có khả năng tăng trưởng nhanh và bền vững, đóng góp cho sự phát triển của địa phương.
Thứ trưởng cũng bày tỏ mong muốn các nhà quản lý, nhà khoa học, trường đại học, doanh nghiệp, chuyên gia, nhà đầu tư, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, tổ chức tài chính vùng Bắc Trung Bộ, các đại biểu, đại diện các Sở KH&CN các tỉnh, thành phố, cùng trao đổi, thảo luận, đánh giá những thuận lợi, khó khăn vướng mắc, chú trọng vào các vấn đề như tăng cường đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp, nâng cao năng lực hấp thụ, năng lực đổi mới sáng tạo, nguồn lực chất lượng cao cho doanh nghiệp,.. để đề xuất các giải pháp thúc đẩy xây dựng hệ sinh thái ĐMST vùng Bắc Trung Bộ phát triển mạnh hơn nữa, góp phần vào sự phát triển KT-XH trong thời gian tới .
UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình phát biểu chào mừng Hội thảo
Nhận thức sâu sắc vai trò và tầm quan trọng của hệ sinh thái ĐMST đối với sự phát triển KT-XH, trong thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế tập trung đầu tư để phát triển trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, đổi mới công nghệ, khởi nghiệp ĐMST, ứng dụng công nghệ sinh học, phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời triển khai nhiều hoạt động để khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh khởi nghiệp trên cơ sở các tài sản trí tuệ, các sáng chế, các sản phẩm nghiên cứu khoa học của mình.
Ông Nguyễn Thanh Bình - UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, mặc dù còn là một khái niệm khá mới nhưng ĐMST đã gắn liền với các ngành KH&CN trong vùng nói chung và tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng trong thời gian quan đã có nhiều hoạt động khởi sắc. Tinh thần ĐMST được lan tỏa rộng rãi trong các ngành, tổ chức chính trị - xã hội, địa phương, các trường đại học hưởng ứng mạnh mẽ, số lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST cũng tăng lên nhiều.
Với quyết tâm thực hiện thành công mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó có mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hoá, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về KH&CN, tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện nhiều chương trình, đề án lớn trong phát triển KH&CN như Chương trình hành động của UBND tỉnh để thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU của Tỉnh ủy về xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học - công nghệ; Nghị quyết số 22/2020/NQ-HĐND ngày 23/12/2020 về hỗ trợ cải tiến, đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ và phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; điều chỉnh Nghị quyết số 20/2020/NQ-HĐND, trong đó bổ sung một số chính sách hỗ trợ ứng dụng KH&CN vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Thừa Thiên Huế; Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025; Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Chương trình phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế; đặc biệt là Đề án Cố đô Khởi nghiệp; (giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030),...
“Những kết quả đạt được trong lĩnh vực KH&CN trong các năm qua không chỉ thể hiện sự phát triển ngày lớn mạnh, đóng vai trò là trụ cột cho sự phát triển KT-XH chung, một bước đi tiên phong mang tính đột phá của ngành, mà còn có hiệu ứng tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong tỉnh, khu vực và cả nước, khai thác tối ưu nguồn lực của các địa phương, phục vụ phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân. Tuy nhiên cũng phải nghiêm túc nhìn nhận một cách cụ thể để xác định quan điểm phát triển chung của ngành, hướng tới làm sao để các kết quả nghiên cứu không còn nằm trong “ngăn kéo” mà phải được ứng dụng, triển khai một cách trực diện và có hiệu quả.”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nhận định.
Ông Nguyễn Thanh Bình mong muốn rằng trong thời gian tới sẽ đẩy mạnh phối hợp với các tỉnh bạn về lĩnh vực KH&CN nói riêng cũng như các lĩnh vực khác nói chung nhằm liên kết thúc đẩy sự phát triển chung của vùng về ĐMST, góp phần phát triển sự nghiệp KH&CN, phát triển nền KT-XH của đất nước. Đối với Thừa Thiên Huế, tỉnh sẽ luôn đồng hành cùng các nhà khoa học, luôn tạo điều kiện về mọi mặt để ngành KH&CN phát triển một cách tốt nhất, đồng bộ, bền vững và hiện đại.
Ông Hoàng Minh - Giám đốc Học viện KH,CN&ĐMST trình bày tại Hội thảo
Bàn về Chiến lược phát triển KH,CN&ĐMST đến năm 2030 (Quyết định số 569/QĐ-TTg), ông Hoàng Minh - Giám đốc Học viện KH,CN&ĐMST cho biết, Chiến lược có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ riêng với ngành KH&CN mà còn với toàn thể hệ thống chính trị bởi vai trò của KH,CN&ĐMST trong 10 năm tới là đột phá chiến lược, có ý nghĩa quyết định tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Chiến lược thể hiện 03 quan điểm, đó là: (i) Khẳng định vai trò, vị trí và yêu cầu đóng góp của KH,CN&ĐMST đối với phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng - an ninh; (ii) Làm rõ việc phát triển đồng bộ, liên ngành, có trọng tâm, trọng điểm các lĩnh vực KH&CN, phát triển hệ thống ĐMST quốc gia, ngành, vùng, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò là trung tâm; (iii) Chỉ ra sự cần thiết phải kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa phát triển năng lực nội sinh với tận dụng tối đa cơ hội, nguồn lực bên ngoài để phát triển KH,CN&ĐMST. Các quan điểm của Chiến lược nhấn mạnh việc phát triển KH,CN&ĐMST là quốc sách hàng đầu, trong đó tập trung phát triển hệ thống ĐMST quốc gia, ngành, vùng với vai trò định hướng, điều phối, kiến tạo môi trường thể chế, chính sách của Nhà nước, đồng thời kết hợp hài hòa giữa năng lực nội sinh và ngoại sinh để phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào KH,CN&ĐMST.
“Các quan điểm, mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được trình bày trong Chiến lược sẽ có tác động tích cực, phát huy thế mạnh và khắc phục những hạn chế, điểm nghẽn trong phát triển KH,CN&ĐMST và đóng góp của KH,CN&ĐMST vào phát triển KT-XH của nước ta. Qua đó góp phần thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đã được khẳng định trong Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2021-2030, quyết định đưa Việt Nam nhanh chóng nâng cao năng lực cạnh tranh, đi tắt, đón đầu để bắt kịp, tiến cùng và vượt lên, thực hiện khát vọng phát triển thịnh vượng và hùng cường. Trong thời gian tới, để có thể thực hiện thành công các mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển KH,CN&ĐMST không chỉ đòi hỏi sự nỗ lực của ngành KH&CN mà còn cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với sự chung tay, góp sức của tất cả các ngành, các cấp, các địa phương, doanh nghiệp và toàn xã hội”, ông Hoàng Minh cho biết.
Trong việc triển khai Chiến lược KH,CN&ĐMST đến năm 2030, trong đó có nhiệm vụ hết sức quan trọng là đo lường chỉ số ĐMST của các địa phương và quốc gia, từ đó biết được địa phương mạnh điểm gì, yếu điểm gì, để có những định hướng xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp. Và trên bình diện quốc gia, Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế có thuận lợi, khó khăn như thế nào để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Qua đó, ông Hoàng Minh kỳ vọng các đối tác chiến lược và cả cộng đồng trong hệ sinh thái ĐMST sẽ cùng chung tay thực hiện nhiệm vụ đầy thử thách này.
Đại diện doanh nghiệp Quảng trị trình bày tham luận tại Hội thảo
Khởi nghiệp là vấn đề không mới, nhưng khởi nghiệp ĐMST là một vấn đề khá mới mẻ và là vấn đề khó, bởi nó gắn liền với tài sản trí tuệ, gắn liền với ĐMST để tạo ra sản phẩm mới, mô hình kinh doanh mới, có tính vượt trội và khác biệt, nó mạng lại sự đổi mới về chất lượng, giá trị và hiệu quả nhưng cũng đầy rủi ro, khó khăn. Chính vì thế, việc hình thành và phát triển một hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST ngoài việc đòi hỏi sự đam mê, chấp nhận rủi ro thì cũng rất cần sự vào cuộc hỗ trợ của chính quyền các cấp về chính sách, môi trường đầu tư và sự hợp tác, hỗ trợ từ các nhà khoa học, các doanh nghiệp tiên phong.
“Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST địa phương là nòng cốt của hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST Quốc gia nên việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương chính là sử dụng nguồn lực địa phương để đầu tư xây dựng cho Quốc gia. Việc liên kết các nguồn lực chính là thể hiện sức mạnh hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương như tỉnh, thành có nhiều trường đại học có thế mạnh phát triển KH&CN, địa phương có nhiều doanh nghiệp sẽ có lợi phát triển các nhà đầu tư. Vì vậy, muốn phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương cần gắn liền với khai thác nguồn lực địa phương với liên kết nguồn lực bên ngoài (quốc gia và quốc tế), cần xây dựng mạng lưới các chuyên gia, cố vấn, nhà đầu tư - đây là những những thành tố quan trọng cho hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST”, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy chia sẻ.
Đại diện lãnh đạo Đại học Vinh và Đại học Huế chia sẻ ý kiến về các vấn đề đào tạo nguồn nhân lực KH&CN
Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã được nghe kinh nghiệm về công tác hỗ trợ ĐMST tại một số địa phương, trường đại học, công tác kết nối với các quỹ đầu tư cho ĐMST. Các ý kiến trao đổi, thảo luận tập trung đánh giá những thuận lợi cũng như những khó khăn, vướng mắc từ đó xác định được những nhiệm vụ, giải pháp để triển khai các Nghị quyết, Chiến lược phát triển KH,CN&ĐMST,...sao cho đạt hiệu quả nhất, thiết thực góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng an ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 như Nghị quyết đã đề ra. Đồng thời các đại biểu cũng bày tỏ mong muốn Nhà nước sớm ban hành nhiều chính sách, tạo dựng khung pháp lý thống nhất, đồng bộ nhất hỗ trợ cho các hoạt động ĐMST.