Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, khơi dậy khát vọng, kiến tạo tương lai - Từ thực tiễn phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế
Ngày cập nhật 28/06/2021

Những năm vừa qua, khoa học và công nghệ (KH&CN) không chỉ khẳng định vai trò và sức mạnh vô cùng to lớn trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước mà còn trở thành động lực then chốt của sự nghiệp đổi mới và phát triển. Những thành tựu KH&CN trên tất cả các lĩnh vực ngày càng được quan tâm, nghiên cứu, ứng dụng, phổ biến và áp dụng sâu rộng trong thực tiễn, tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, nâng cao dân trí, bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa, con người Việt Nam.

 

Nhân kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5 với chủ đề “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, khơi dậy khát vọng, kiến tạo tương lai”, trước hết, chúng tôi - những người hoạt động trong ngành KH&CN ghi nhớ sâu sắc câu nói của Bác Hồ tại Đại hội Đại biểu Hội Phổ biến khoa học và kỹ thuật (KH&KT) Việt Nam toàn quốc lần thứ nhất: “Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi…”

Năm nay, Bộ KH&CN chọn chủ đề “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, khơi dậy khát vọng, kiến tạo tương lai”, một lần nữa khẳng định đổi mới sáng tạo - động lực thúc đẩy mạnh mẽ cho công cuộc tiếp tục đổi mới toàn diện, đồng bộ trên các lĩnh vực sản xuất và đời sống. Đổi mới sáng tạo là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, trong đó đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là đội ngũ cán bộ những người làm trong ngành KH&CN để một lần nữa khẳng định khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc được thúc đẩy bằng động lực của đổi mới sáng tạo, nhất định đất nước ta sẽ “bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu” trong thế kỷ XXI, như tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và mong ước cháy bỏng trong toàn dân.

Nhân kỷ niệm Ngày KH&CN Việt Nam 18/5 năm nay, chúng tôi xin chia sẻ một số kết quả đạt được trong hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian qua cũng như định hướng cho hoạt động này trong thời gian đến.

Như chúng ta đã biết, khởi nghiệp và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) là động cơ chính để kinh tế đất nước phát triển bền vững. Đó không chỉ là yêu cầu thành lập nhiều doanh nghiệp mới mà còn là yêu cầu làm mới với tất cả các doanh nghiệp đang tồn tại. Đặc biệt, KNĐMST là mệnh lệnh của kỷ nguyên số, chuyển đổi số. Trong những năm qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ xây dựng và phát triển hệ sinh thái KNĐMST trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, UBND tỉnh đã sớm ban hành các kế hoạch nhằm đẩy mạnh triển khai Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái KNĐMST quốc gia đến năm 2025” và gần đây UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án Cố đô Khởi nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Đề án 844 ra đời vào năm 2016 với vai trò chủ trì của Bộ KH&CN và sự tham gia tích cực của các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị xã hội, hệ sinh thái KNĐMST đã cơ bản được hình thành, các chủ thể trong hệ sinh thái đã tham gia một cách đầy đủ, toàn diện. Hệ thống pháp lý hỗ trợ, thúc đẩy KNĐMST tương đối đầy đủ, hỗ trợ kịp thời các doanh nghiệp khởi nghiệp trên nền tảng nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ, mô hình kinh doanh mới. Đến nay, sau gần 5 năm triển khai thực hiện Đề án 844, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Các hoạt động hỗ trợ phát triển hệ sinh thái KNĐMST trên địa bàn tỉnh phát triển đã thúc đẩy hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp và hoạt động KNĐMST, đặt biệt là nâng cao tinh thần khởi nghiệp trong cộng đồng, một số ý tưởng khởi nghiệp đã hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp và đang hoạt động hiệu quả. Cùng với sự quan tâm hỗ trợ của Bộ KH&CN trong việc về định hướng để xây dựng và phát triển hệ sinh thái KNĐMST trên địa bàn, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt việc triển khai các hoạt động hỗ trợ phát triển hệ sinh thái KNĐMST trên địa bàn, với mục tiêu thúc đẩy hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp và hoạt động KNĐMST của tỉnh; tạo lập môi trường thuận lợi để phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới...

Trong giai đoạn này, UBND tỉnh đã ký thỏa thuận hợp tác với Quỹ Khởi nghiệp doanh nghiệp KH&CN Việt Nam về triển khai chương trình hỗ trợ đồng hành xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp tại Thừa Thiên Huế. Đánh giá hệ sinh thái đổi mới sáng tạo địa phương trong khuôn khổ hợp tác chiến lược của Quỹ Khởi nghiệp doanh nghiệp KH&CN Việt Nam (SVF) giai đoạn 2016-2019, tỉnh Thừa Thiên Huế được SVF đánh giá là địa phương có sự tăng trưởng nhanh, đã đạt được giai đoạn 1 “Xây dựng cộng đồng và các thành tố của hệ sinh thái” và giai đoạn 2 “Nâng cao năng lực các thành tố trong hệ sinh thái”… qua đó đã giúp các hoạt động KNĐMST trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế trong 5 năm qua có nhiều khởi sắc, thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, các trường đại học, tổ chức thúc đẩy kinh doanh, vườn ươm, câu lạc bộ khởi nghiệp và cộng đồng khởi nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Hoạt động KNĐMST đã tạo hiệu ứng tốt trong cộng đồng, tạo cú hích lớn giúp cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khởi nghiệp mạnh dạn đề xuất, xây dựng các dự án, hoạt động khởi nghiệp thông qua các chương trình, diễn đàn KNĐMST của tỉnh. Kết quả các cuộc thi vùng và khu vực đều đạt giải cao và có khả năng tham gia vào thị trường. Với những chính sách, kế hoạch sớm và thiết thực, bám sát tinh thần của Đề án 844 đã giúp hoạt động hỗ trợ KNĐMST trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có nhiều chuyển biến tích cực, lan tỏa đến nhiều ban, ngành, cũng như các tổ chức, cá nhân trên toàn tỉnh.

Hệ sinh thái KNĐMST là mô hình mà ở đó huy động được nhiều thành phần xã hội cùng tham gia hỗ trợ và thúc đẩy các ý tưởng sáng tạo, các dự án khởi nghiệp nhằm giúp các ý tưởng được phát triển đúng hướng, có khả năng thương mại hóa, thành lập doanh nghiệp có chất lượng và và số lượng ngày càng cao, từ đó đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Từ năm 2016 đến nay, hầu hết các thành tố trong hệ sinh thái KNĐMST đã được định hình và có nhiều đóng góp cho sự thúc đẩy hoạt động KNĐMST trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:

- Về hoạt động thông tin, tuyên truyền về KNĐMST: Đã xây dựng Cổng thông tin KNĐMST tỉnh Thừa Thiên Huế để tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu về các hoạt động khởi nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp, thông tin về hỗ trợ khởi nghiệp, các sự kiện về khởi nghiệp trong và ngoài tỉnh,... Sở KH&CN phối hợp với Báo Thừa Thiên Huế, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại thành phố Huế, Đại học Huế, Sở Thông tin và Truyền thông và các câu lạc bộ khởi nghiệp,.. cùng đồng hành giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá thông tin về KNĐMST trên địa bàn tỉnh.

- Về tổ chức các sự kiện kết nối cộng đồng KNĐMST: Tham mưu phối hợp với Bộ KH&CN tổ chức Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Vùng Duyên hải miền trung và Tây Nguyên năm 2018, chỉ đạo cơ quan liên quan phối hợp tổ chức hành trình chuyến xe khởi nghiệp nhằm hưởng ứng Ngày hội KNĐMST Quốc gia năm 2018, 2019. Tham mưu tổ chức tham gia Ngày hội KNĐMST vùng hằng năm do Bộ KH&CN tổ chức, qua đó đã hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp có cơ hội giới thiệu, trao đổi, chia sẻ, kết nối các nhà đầu tư, quỹ đầu tư và các doanh nghiệp tìm kiếm thị trường để liên kết phát triển các ý tưởng, dự án khởi nghiệp trong thời gian đến.

- Về tổ chức các hội thảo, hội nghị, diễn đàn hỗ trợ hệ sinh thái KNĐMST: Đã tổ chức các hội thảo, hội nghị, diễn đàn về KNĐMST như hội thảo “Nâng cao năng lực xây dựng hệ sinh thái KNĐMST trên địa bàn tỉnh”, tổ chức Diễn đàn KNĐMST các năm 2017, 2018, 2019, 2020; phát động cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” tỉnh Thừa Thiên Huế 2017, 2018, 2019, 2020. Đặc biệt là Diễn đàn KNĐMST tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2020, đã kết hợp công bố Đề án Cố đô Khởi nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; tổ chức các hội nghị tổng kết và trao giải thưởng cuộc thi khởi nghiệp, các lớp tập huấn, bồi dưỡng về KNĐMST,… qua đó đã đề xuất các giải pháp, chương trình hành động để xây dựng và phát triển hệ sinh thái KNĐMSTtrên địa bàn tỉnh trong thời gian đến.

- Về triển khai và tổ chức các cuộc thi KNĐMST: Đã tổ chức các cuộc thi KNĐMST cấp tỉnh, cấp cơ sở: Sở KH&CN chủ trì tham mưu tổ chức cuộc thi cấp tỉnh; Đại học Huế chủ trì tổ chức cuộc thi khởi nghiệp trong giảng viên, sinh viên; Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tổ chức các cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp; một số trường đại học, cao đẳng cũng tổ chức cuộc thi khởi nghiệp trong sinh viên. Qua đó, xem xét trao 32 giải thưởng cho các tổ chức, nhóm cá nhân, cá nhân có ý tưởng, dự án khởi nghiệp có tiềm năng phát triển nhất, đặc biệt năm 2019, 2020 các doanh nghiệp đã quan tâm, hưởng ứng tham gia tặng thêm 08 giải thưởng cho các ý tưởng dự án dự thi như: Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Công ty Cổ phần Frit Huế, Viện Nghiên cứu và Phát tiển, Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp KH&CN Việt Nam, Hội hội Doanh nghiệp tỉnh, Công ty TNHH NN MTV Lâm Nghiệp Tiền Phong, Công ty Quản lý Đầu tư Khởi nghiệp Sáng tạo, Công ty Cổ phần Tư vấn và Đầu tư Cộng Hưởng, Công ty TNHH SXTM YesHue…

Đã giới thiệu các doanh nghiệp khởi nghiệp của tỉnh tham gia và đạt giải cuộc thi khởi nghiệp vùng Bắc Trung bộ tổ chức tại Nghệ An, là Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại YesHue (đạt giải nhất) và Công ty TNHH MTV Mỹ nghệ thông minh Tayta (đạt giải 3); 04 doanh nghiệp, nhóm cá nhân đạt giải thưởng cuộc thi Vùng duyên hải Miền Trung và Tây Nguyên tại Huế, là Công ty TNHH MTV Sản xuất Thương Mại và Dịch vụ Xưa (đạt giải nhất) Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Liên Minh Xanh và 02 nhóm cá nhân thuộc Đại học Huế (cùng đạt giải 3)…

- Về triển khai các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp: Sở KH&CN phối hợp với các cơ quan, tổ chức triển khai các khóa tập huấn liên quan đến hỗ trợ phát triển khởi nghiệp, như nâng cao năng lực cho đội ngũ chuyên gia cố vấn khởi nghiệp, tài chính trong khởi nghiệp, thiết kế truyền thông trong marketing cho các sản phẩm khởi nghiệp, kết nối khởi nghiệp,… Đại học Huế cũng đã tổ chức các hoạt động tập huấn, trưng bày, giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp, kết nối khởi nghiệp, các lớp đạo tạo, tập huấn nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên các trường đại học, cao đẳng, qua đó đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt trong năm 2020 và năm 2021, Sở KH&CN đã tham mưu cho UBND tỉnh hỗ trợ 4 dự án KH&CN cho các ý tưởng khởi nghiệp đạt giải để cụ thể hóa ý tưởng thành sản phẩm thương mại hóa cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.

- Về xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động KNĐMST: UBND tỉnh đã thành lập Trung tâm KNĐMST Thừa Thiên Huế (trực thuộc Viện Nghiên cứu phát triển). Đại học Huế đã thành lập Trung tâm KNĐMST; hình thành CLB Khởi nghiệp (Trường Đại học Nông lâm Huế), CLB Dynamics (Trường Đại học Kinh tế Huế), Vườn ươm khởi nghiệp - Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế.

Song song với việc xây dựng và phát triển để trở thành thành phố trực thuộc trung ương, là trung tâm KH&CN của cả nước, KNĐMST luôn được chính quyền ưu tiên thúc đẩy phát triển với nhiều cơ chế, chính sách riêng. Nhờ đó mà thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có nhiều mô hình hỗ trợ khởi nghiệp được ra đời và hoạt động hiệu quả, góp phần không nhỏ đưa kinh tế tiếp tục phát triển.

Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng, tuy đạt được những kết quả đáng khích lệ, hoạt động KHĐMST trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp một vài khó khăn, hạn chế nhất định.

- Trong giai đoạn 2011-2018, tỷ trọng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của vốn và lao động giảm còn 72,7%, đóng góp của TFP chỉ chiếm 27,3%. Mặc dù con số này có sự chuyển biến theo chiều hướng tốt nhưng trong giai đoạn này tăng trưởng kinh tế của tỉnh chủ yếu dựa vào tăng huy động vốn đầu tư và số lượng lao động, các yếu tố khác như trình độ công nghệ, chất lượng lao động, quy trình quản lý… đóng góp vào tăng trưởng GRDP còn hạn chế.

- Tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong đó có doanh nghiệp KNĐMST được hỗ trợ như: hỗ trợ mặt bằng kinh doanh, hỗ trợ thuê đất, hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ vốn mồi,.... Tuy nhiên, các chính sách còn chung chung, điều kiện cao, thủ tục nhiều nên các đối tượng KNĐMST rất khó tiếp cận.

- Hoạt động KNĐMST trên địa bàn vẫn còn nhiều hạn chế, trong đó chưa phát huy được các giá trị tài sản trí tuệ dựa trên các sáng chế, kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học để khởi nghiệp hiệu quả hơn. Đặc biệt là chưa thương mại hóa hiệu quả các sáng chế, giải pháp hữu ích, kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học Huế.

Để hoạt động này phát triển hơn trong thời gian tới, Sở KH&CN sẽ đề xuất các nội dung liên quan đến KNĐMST trên địa bàn tỉnh như sau:

1. Tăng cường thông tin, tuyên truyền về KNĐMST: Hoàn thiện, nâng cấp và vận hành Cổng thông tin KNĐMST của tỉnh. Xây dựng các chương trình truyền thông về hỗ trợ KNĐMST, phổ biến và tuyên truyền các điển hình KNĐMST thành công của tỉnh, các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp và các cuộc thi KNĐMST. Triển khai các hoạt động hỗ trợ, tuyên truyền nhằm góp phần xây dựng văn hóa KNĐMST trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức, kỹ năng về KNĐMST cho người lao động, học sinh, sinh viên, thanh niên.

2. Tổ chức các sự kiện kết nối cộng đồng KNĐMST: Tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, các sự kiện KNĐMST. Trong đó, có sự kiện Ngày hội Cố đô KNĐMST (TECHFEST Cố đô); hỗ trợ, giới thiệu các doanh nghiệp khởi nghiệp tiềm năng của tỉnh tham dự TECHFEST Vùng, Quốc gia. Tổ chức các cuộc thi KNĐMST trên địa bàn tỉnh để lựa chọn các ý tưởng, dự án khởi nghiệp có tiềm năng nhằm hỗ trợ ươm tạo thành các dự án khởi nghiệp phát triển.

3. Xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động KNĐMST: Nghiên cứu vận hành có hiệu quả các trung tâm hỗ trợ KNĐMST trên địa bàn tỉnh (như Trung tâm KNĐMST - Đại học Huế; Trung tâm KNĐMST Thừa Thiên Huế). Tùy theo nhu cầu của từng thời điểm, nguồn lực của địa phương và đề xuất với các bộ, ngành có liên quan để xây dựng và hình thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo của tỉnh, của khu vực và của cả nước. Phát triển các dịch vụ, hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp, bao gồm các dịch vụ về: luật, tài chính, kế toán, thuế, cơ sở vật chất, tìm kiếm nhân sự...

4. Phát triển hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực và dịch vụ cho hệ sinh thái KNĐMST: Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện, tập huấn về khởi sự kinh doanh, quản trị doanh nghiệp và quản trị doanh nghiệp chuyên sâu, chính sách pháp luật về thuế, kiến thức pháp luật kinh doanh, marketing, quảng bá sản phẩm khởi nghiệp, sở hữu trí tuệ, các kiến thức về khởi nghiệp cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh, như: cho cán bộ quản lý nhà nước, giảng viên, doanh nghiệp KNĐMST, đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh.,… về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh…

5. Tổ chức kết nối và hỗ trợ hoạt động hệ sinh thái khởi nghiệp: Hình thành mạng lưới chuyên gia tư vấn, đào tạo và nhà đầu tư về KNĐMST. Kết nối mạng lưới nhà đầu tư cá nhân, doanh nghiệp và mạng lưới quỹ đầu tư mạo hiểm cho KNĐMST. Thúc đẩy sự hợp tác, liên kết giữa ba nhà, gồm: Nhà nước, nhà trường, nhà doanh nghiệp nhằm tăng hiệu quả hỗ trợ theo chuỗi cho KNĐMST (từ ý tưởng đến mô hình kinh doanh, thương mại hóa và tăng trưởng).

6. Hỗ trợ phát triển KNĐMST: Hỗ trợ thương mại hóa các kết quả nghiên cứu KH&CN đã được nghiệm thu để phát triển thành các sản phẩm khởi nghiệp (đặc biệt là các nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh). Hỗ trợ dưới dạng nhiệm vụ KH&CN (cấp tỉnh hoặc cấp cơ sở) để phát triển một số ý tưởng, dự án khởi nghiệp đạt giải cuộc thi khởi nghiệp cấp tỉnh, cấp vùng hoặc quốc gia thành các sản phẩm khởi nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp KH&CN. Hỗ trợ triển khai và đẩy mạnh hoạt động ươm mầm ý tưởng sáng tạo và khởi nghiệp trong các trường đại học, cao đẳng…

Nhân kỷ niệm Ngày 18/5 năm nay với chủ đề “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, khơi dậy khát vọng, kiến tạo tương lai”, chúng ta tin tưởng rằng, hoạt động KNĐMST trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế ngày càng gặt gái được nhiều thành tựu, góp phần thúc đẩy, hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp và hoạt động KNĐMST, đặc biệt là nâng cao tinh thần khởi nghiệp trong cộng đồng, một số ý tưởng khởi nghiệp đã hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp và đang hoạt động hiệu quả. Từ đó, hoạt động KNĐMST sẽ góp phần tạo ra sản phẩm mới trên nền tảng tài sản trí tuệ, đổi mới công nghệ và mô hình kinh doanh mới. Đồng thời, tạo ra giá trị và huy động mọi nguồn lực tận dụng cơ hội để phát triển sản phẩm, phương thức sản xuất và thị trường mới, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn hiện nay - một nền kinh tế sáng tạo, tri thức và kinh tế tuần hoàn bền vững theo tinh thần Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị./.

TS Hồ Thắng - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
TP HCM Startup sử dụng năng lượng xanh có lợi thế khi xuất khẩu vào các thị trường lớn với yêu cầu trách nhiệm cộng đồng bên cạnh chất lượng, giá cả, theo lãnh đạo VCCI.  
Chương trình kế hoạch liên kết hợp tác
Với chủ đề "Đổi mới sáng tạo - Phát triển bền vững", sự kiện Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam (Techconnect and Innovation Vietnam 2023) là cầu nối thúc đẩy hợp tác đầu tư, nghiên cứu ứng dụng, phát triển công...
Câu chuyện khởi nghiệp thành công
Liên kết website dạng danh sách