Trao giải cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2020
Ngày cập nhật 10/12/2020

Chiều 5/12, Uỷ ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiến hành tổ chức Lễ Tổng kết và trao giải cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2020. Trải qua ba vòng thi sơ kết, bán kết và chung kết, Cuộc thi đã tìm ra và vinh danh những cái tên xuất sắc nhất.

Tham dự buổi lễ có đồng chí Phan Ngọc Thọ - Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; đồng chí Nguyễn Thanh Bình – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; TS. Hồ Thắng – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Trưởng Ban tổ chức (BTC) Cuộc thi; đồng chí Nguyễn Đại Vui – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cùng đại diện các dự án tham dự cuộc thi KNĐMST năm nay.

Đồng chí Phan Ngọc Thọ phát biểu tại buổi lễ

Tại buổi lễ, đồng chí Phan Ngọc Thọ cũng đã trình bày những phương hướng phát triển tỉnh dựa trên thế mạnh về KHCN sắp tới. Trước đó, ông Thọ cùng Giám đốc Sở KH&CN cũng đã có phiên đối thoại với cộng đồng KNĐMST trên địa bàn tỉnh.

TS. Hồ Thắng , Giám đốc Sở KH&CN phát biểu tại buổi lễ

Phát biểu tại buổi lễ, TS. Hồ Thắng – Giám đốc Sở KH&CN, Trưởng BTC Cuộc thi đã nêu cao tinh thần nhiệt huyết của các dự án tham dự cuộc thi năm nay. Ông cho biết: “Doanh nghiệp KNĐMST là con đường để đưa ứng dụng công nghệ mới, phương thức sản xuất kinh doanh mới vào thực tiễn, đó là xu hướng tất yếu khi chúng ta đang đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế để thích ứng với cuộc CMCN 4.0”.

Sau gần ba tháng phát động, trải qua ba vòng thi sơ kết, bán kết và chung kết, Cuộc thi đã chọn ra 9 dự án xuất sắc trong tổng số 56 hồ sơ dự thi. Cơ cấu giải thưởng bao gồm 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba. Ngoài ra Chủ tịch UBND tỉnh cũng sẽ chọn ra 3 dự án trong các hồ sơ để trao giải (1 giải A, 2 giải B).

Giải Nhất cuộc thi năm nay thuộc về dự án AIQuant, đây là dự án KNĐMST trên cơ sở của trí thông minh nhân tạo AI. Theo đó, AIQuant cung cấp hệ thống báo cáo tự động tích hợp các nghiên cứu chuyên sâu giúp nhà đầu phân tích chi tiết từng doanh nghiệp, từ đó tránh được khủng hoảng, giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh. AIQuant là một phần mềm hoàn toàn do người Việt xây dựng, và có khả năng ứng dụng trên phạm vi toàn cầu.

2 giải Nhì thuộc về các dự án: Hệ sinh thái Du lịch dựa vào cộng đồng và phát huy các giá trị tài nguyên bản địa tại huyện Nam Đông – tỉnh Thừa Thiên Huế (YESHUE ECO); Ứng dụng Mobile “Hue-Trippal”.

Cụ thể, trên cơ sở của các tài nguyên bản địa (văn hóa, nông sản, du lịch cộng đồng), dự án của YESHUE ECO đã xây dựng một hệ sinh thái với mục tiêu tạo lập mô hình kinh doanh đa dạng rộng lớn, nâng cao nhận thức bảo vệ thiên nhiên cho du khách và người dân bản địa. Đối với Ứng dụng Mobile “Hue-Trippal”, đây là một dự án xây dựng ứng dụng dành cho du khách đến Huế cài đặt trên điện thoại và các thiết bị cầm tay thông minh nhằm chuẩn bị cho kết hoạch chuyến đi, chỉ dẫn, lưu trữ và chia sẻ hành trình.

3 giải Ba của cuộc thi năm nay gồm: Nâng cao giá trị kinh tế và thương mại hóa các sản phẩm từ cây Atiso đỏ tại Thừa Thiên Huế; Dân ca Huế trong Hòa tấu Cổ điển; Phát triển sen Huế gắn với phát triển chuỗi giá trị và du lịch sinh thái tại Làng cổ Phước Tích. Đây đều là những dự án được hình thành trên cơ sở khai thác tài nguyên bản địa.

Theo đó, dự án thứ nhất là kết quả của công ty TNHH MTV sản xuất Thương mại và Dịch vụ HICHAGOL. Trên cơ sở quy hoạch vùng trồng cây Atiso có kế hoạch, cộng thêm việc ứng dụng KHCN vào sản xuất, tư duy mới trong kinh doanh, dự án đã thuyết phục được Hội đồng giám khảo cuộc thi. Đối với dự án Dân ca Huế trong Hòa tấu cổ điển, TS. Đinh Hoài Xuân đã mang đến một màu sắc rất mới mẻ, kết hợp giữa văn hóa dân tộc với âm nhạc phương Tây cổ điển, tạo ra điểm nhấn cho Cuộc thi năm nay. Dự án Phát triển sen Huế gắn với phát triển chuỗi giá trị và du lịch sinh thái tại Làng cổ Phước Tích cũng mang lại tâm thế như vậy, dựa vào việc phát huy các giống sen Huế gắn liền với khu du lịch sinh thái, Công ty Huế Việt đã góp phần rất lớn trong việc bảo tồn các giống sen Huế, tạo công ăn việc làm cho các hộ dân trên địa bàn tỉnh.

3 dự án đạt giải thưởng của Chủ tịch UBND tỉnh gồm: Tranh hoa giấy MAYPAPERFLOWER phát triển bền vững cùng với Huế (giải A); Phát triển tiềm năng trẻ (giải B); Sản xuất dung dịch vệ sinh phụ nữ từ hỗn hợp nano Ag, nano Curcumin có bổ sung tinh chất Lô hội nhằm phòng và trị bệnh viêm âm đạo (giải B). Đây là những dự án do chính Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ chọn và trao giải, thể hiện tinh thần khuyến khích đối với các dự án KNĐMST.

Công tác tổ chức Cuộc thi năm nay đã cho thấy sự chỉnh chu, nghiêm túc của Sở KH&CN cùng các sở, ban, ngành liên quan. Dù lễ trao giải đã khép lại quá trình gần ba tháng kể từ ngày phát động Cuộc thi. Song nó đã mở ra một chặng đường mới cho các dự án KNĐMST nói riêng và tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung, đó là xây dựng một tinh thần khởi sự kinh doanh, máu lửa khởi nghiệp để hướng tới việc hoàn thành tốt Đề án Cố Đô khởi nghiệp mà UBND tỉnh đã phê duyệt.

Để bắt kịp xu thế phát triển toàn cầu, Thừa Thiên Huế luôn hoan nghênh những cá nhân, tập thể tiến hành KNĐMST. Qua đánh giá, những dự án đạt giải các năm trước của cuộc thi đã cùng chung tay vào hệ sinh thái KNĐMST, góp phần xây dựng một Thừa Thiên Huế giàu mạnh, bản sắc, qua đó cho thấy tính hiệu quả, thực tế mà Cuộc thi do Sở KH&CN tổ chức mang lại.

Một số hình ảnh tại buổi Lễ Tổng kết và trao giải cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2020

 

Ngọc Hà - Xuân Khánh
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
TP HCM Startup sử dụng năng lượng xanh có lợi thế khi xuất khẩu vào các thị trường lớn với yêu cầu trách nhiệm cộng đồng bên cạnh chất lượng, giá cả, theo lãnh đạo VCCI.  
Chương trình kế hoạch liên kết hợp tác
Với chủ đề "Đổi mới sáng tạo - Phát triển bền vững", sự kiện Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam (Techconnect and Innovation Vietnam 2023) là cầu nối thúc đẩy hợp tác đầu tư, nghiên cứu ứng dụng, phát triển công...
Câu chuyện khởi nghiệp thành công
Liên kết website dạng danh sách