Hội thảo đã thu hút đông đảo các thầy cô giáo và các sinh viên đến từ Học viện Phụ nữ Việt Nam, Đại học Ngoại thương, Đại học Lao động Xã hội, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, Đại học Văn hóa, Đại học Ngân hàng…tham gia. Hội thảo được tổ chức nhằm chào mừng ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4). Sự kiện này cũng nằm trong chuỗi các hoạt động mà Việt Nam và các nước trên thế giới hưởng ứng Ngày Đổi mới sáng tạo thế giới (21/4) và Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (26/4).
Toàn cảnh Hội thảo
Lồng ghép vai trò bình đẳng giới trong hoạt động bảo hộ quyền SHTT
Phát biểu tại Hội thảo, ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cho biết, hằng năm, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đều lựa chọn một chủ đề riêng để chào mừng Ngày Sở hữu trí tuệ (SHTT) thế giới, năm nay chủ đề được chọn là “Sở hữu trí tuệ và thế hệ trẻ: Đổi mới sáng tạo vì một tương lại tốt đẹp hơn”.
Thanh niên, người trẻ tuổi là những nhà đổi mới, sáng tạo sẽ là chủ nhân tương lai. Bằng sự sáng tạo và khéo léo của mình, những người trẻ tuổi ở Việt Nam và trên toàn thế giới đang thúc đẩy sự thay đổi và tạo ra những con đường hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn. Ngày SHTT thế giới 2022 ghi nhận tiềm năng to lớn của giới trẻ trong việc tìm ra các giải pháp mới tốt hơn, hỗ trợ sự chuyển đổi đến tương lai bền vững.
Nói đến tương lai chúng ta không thể không quan tâm đến thế hệ trẻ, tương lai của chúng ta có bền vững hay không sẽ phụ thuộc vào ý thức và sức sáng tạo của thế hệ trẻ. Với chủ đề này, các hoạt động chào mừng Ngày SHTT năm nay được Cục SHTT chúng tôi chú trọng triển khai tại các trường đại học - cái nôi nuôi dưỡng, ươm mầm tài năng của đất nước.
Ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ phát biểu tại Hội thảo
"Chủ đề Hội thảo ngày hôm nay rất đặc biệt và có nhiều ý nghĩa khi lồng ghép vai trò của bình đẳng giới trong hoạt động bảo hộ quyền SHTT ở phương diện văn hoá đọc của sinh viên Việt Nam. Sẽ không thể có được những nhà sáng tạo, những doanh nhân trẻ tài ba, nếu như từ khi ngồi trên ghế giảng đường, sinh viên không tìm hiểu, nghiên cứu và nghiền ngẫm tài liệu với sự hiểu biết và tôn trọng quyền SHTT của người khác.
Cũng không thể có những sinh viên, thế hệ thanh niên xuất sắc nếu không có sự hiểu biết và tôn trọng quyền bình đẳng giới. Bởi lẽ, bình đẳng giới là một trong những mục tiêu phấn đấu của Việt Nam và các quốc gia trên thế giới nhằm hướng đến xã hội văn minh, tiến bộ và phát triển bền vững. Hơn ai hết, những người trẻ tuổi chính là người thổi hồn tiên phong thực hiện các hoạt động bình đẳng giới và tôn trọng quyền SHTT trong mọi lĩnh vực, trong đó có việc tôn trọng văn hoá đọc dưới mọi hình thức", ông Đinh Hữu Phí cho hay.
Cũng theo ông Đinh Hữu Phí, SHTT ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ nói riêng và kinh tế xã hội nói chung, đặc biệt là đối với nền kinh tế tri thức mà Việt Nam và nhiều nước khác đang hướng tới. Trong khi đó, bình đẳng giới cũng đang là vấn đề được cả thế giới quan tâm. Việc lồng ghép của quyền SHTT trong các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội… trong đó có nội dung về bình đẳng giới cũng đang được các nước trên thế giới và tổ chức SHTT thế giới (WIPO) quan tâm nhiều hơn.
"Do vậy, Hội thảo ngày hôm nay là hoạt động nhằm khơi dậy và khuyến khích sinh viên Việt Nam tích cực nghiên cứu khoa học trên tinh thần tôn trọng quyền SHTT và bình đẳng giới, đồng thời cũng là cơ hội để sinh viên bày tỏ quan điểm và mối quan tâm của mình đối với các lĩnh vực này", Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ nhấn mạnh.
Tôn trọng quyền SHTT trong sinh viên
Cùng chia sẻ tại Hội thảo, Luật sư Lê Xuân Lộc (thành viên Công ty Luật T&G) cũng đã có bài tham luận về vấn đề nhận diện tài sản trí tuệ trong trường đại học và vấn đề tôn trọng quyền SHTT trong sinh viên.
Luật sư Lê Xuân Lộc (thành viên Công ty Luật T&G) có bài tham luận về vấn đề nhận diện tài sản trí tuệ trong trường đại học
Theo ông Lê Xuân Lộc, Giám đốc sở hữu trí tuệ Công ty Luật TNHH T&G, tài sản trí tuệ trong trường đại học bao gồm: Tài sản trí tuệ từ hoạt động dạy và học của giảng viên và sinh viên; Tài sản trí tuệ từ hoạt động nghiên cứu khoa học; Tài sản trí tuệ từ các hoạt động chuyên môn và ngoại khóa khác; Tài sản trí tuệ từ hoạt động hợp tác với các đối tác bên ngoài trường.
Theo đó, các loại tài sản trí tuệ trong trường đại học thường bao gồm: tài sản trí tuệ từ hoạt động dạy và học của giảng viên và sinh viên; tài sản trí tuệ từ hoạt động nghiên cứu khoa học; tài sản trí tuệ từ các hoạt động chuyên môn và ngoại khóa khác; tài sản trí tuệ từ hoạt động hợp tác với các đối tác bên ngoài trường.
Luật sư Lê Xuân Lộc cũng chỉ ra một số hành vi xâm phạm quyền SHTT phổ biến của sinh viên là sao chép tác phẩm; sử dụng sách/truyện/hàng hóa khác là hàng giả; sử dụng phần mềm không có bản quyền; xem phim, nghe nhạc từ các trang web lậu. Từ thực trạng này, Luật sư Lộc cho rằng, việc cho sinh viên tiếp xúc nhiều hơn với các kiến thức về quyền SHTT sẽ góp phần nâng cao nhận thức, giảm hành vi xâm phạm quyền SHTT của sinh viên trong môi trường đại học.
Ông cũng nêu câu hỏi để các bạn trẻ thảo luận: Hành vi sử dụng lại nhạc nền (beat) đã được bảo hộ quyền tác giả để cover, remix, mashup, nhảy… có cấu thành hành vi xâm phạm quyền tác giả hay không? Cần nhận diện các hành vi xâm phạm quyền tác giả trong hoạt động nghiên cứu, đào tạo ngay tại trường đại học.
Những lời khuyên về đọc sách
TS. Dương Kim Anh, Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam, Trưởng khoa Giới và Phát triển đã chia sẻ với các bạn trẻ những kinh nghiệm về đọc sách. "Cuộc đời ta thay đổi theo hai cách: Qua những người ta gặp và qua những cuốn sách ta đọc" (H.Mackay).
TS. Dương Kim Anh, Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam, Trưởng khoa Giới và Phát triển phát biểu tại Hội thảo
TS. Dương Kim Anh cho rằng, sách là phương tiện nâng cao năng lực trí tuệ, là tri thức kiến tạo tương lai, là cầu nối tri thức với cuộc sống, khơi nguồn tri thức, chắp cánh ước mơ... "Bất chấp sự thần kỳ của khoa học kỹ thuật, thư viện cho đến tận hôm nay vẫn là động cơ chính của học vấn" (L.X Likhachop).
Đọc sách có thể giúp chúng ta cải thiện sự tập trung, tăng cường kỹ năng tư duy phân tích; mở rộng vốn từ ngữ, giúp cải thiện trí nhớ, kéo dài tuổi thọ; giúp điều khiển cảm xúc bản thân; tăng cường kỹ năng viết và lập luận; giúp rèn luyện nhân cách; giúp cân bằng cuộc sống và công việc... "Không có gì có thể thay thế văn hóa đọc" (G.Grass). "Đọc sách chính là hộ chiếu cho vô số cuộc phiên lưu" (M.P. Osborne).
Đọc sách như thế nào cho hiệu quả? TS. Dương Kim Anh cho rằng, cần xác định mục tiêu đọc sách - "phương pháp đọc tùy thuộc vào mục đích, và hoàn toàn do mục đích quy định (X.L.Povarlin); Lựa chọn sách để đọc: Chọn nội dung phù hợp, cần thiết để đọc; Tập trung cao độ khi đọc: Cố gắng định hướng toàn bộ tâm trí một cách liên tục vào việc đọc; Tích cực tư duy khi đọc: Rút ra được điều gì từ nội dung cuốn sách, bổ sung hiểu biết, kinh nghiệm cho bản thân; Ghi chép lại khi đọc: Ghi chép trong quá trình đọc sách sẽ tăng cường được sự chú ý, giảm mệt mỏi. "Ý nghĩ không được ghi chép lại chỉ là một kho báu bị giấu biệt" (D.I. Mendeleev). Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã căn dặn: "Những cái gì đã nghe, đã thấy, đã hỏi được, đã đọc được thì chép lấy để dùng để viết"...
Một số lời khuyên của TS Dương Kim Anh cho các bạn trẻ: Hãy tranh thủ khi còn trẻ để đọc, để tích lũy tri thức. Hãy để những hiểu biết của bản thân nói lên con người mình là ai. Không ngừng học hỏi và trau dồi kiến thức. "Không có người bạn nào trung thành như một cuốn sách" (E. Hemingway) - hãy xem sách như một người bạn tốt. "Sách hay, cũng như bạn tốt, ít và được lựa chọn; chọn lựa càng nhiều thưởng thức càng nhiều" (L.M. Alcott) - hãy chọn sách để đọc. Đọc để tích lũy kiến thức, để thúc đẩy bình đẳng và phát triển. Phụ nữ hãy để những hiểu biết của bản thân nói lên con người mình là ai, chứ đừng cho phép một khuôn mặt xinh làm điều đó!...
Các đại biểu và diễn giả chụp ảnh tại Hội thảo