Chia sẻ kinh nghiệp khởi nghiệp
Tại buổi làm việc, TS Hồ Thắng đã chia sẻ một số kinh nghiệm về hoạt động khởi nghiệp của tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian qua. Theo đó, thực hiện Đề án KNĐMST Quốc gia đến năm 2025”, trong thời gian qua, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành nhiều chương trình, đề án, kế hoạch để triển khai các hoạt động hỗ trợ hệ sinh thái KNĐMST trên địa bàn; đồng thời ký kết hợp tác với nhiều đơn vị, tổ chức trung ương để phối hợp triển khai hoạt động này tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Kết quả của hoạt động đã giúp cho hệ sinh thái khởi nghiệp của Thừa Thiên Huế có nhiều khởi sắc, tạo sự lan toả lớn trong cộng đồng xã hội; thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp, các trường đại học, vườn ươm, câu lạc bộ khởi nghiệp và cộng đồng khởi nghiệp trong và ngoài tỉnh.
TS Hồ Thắng khẳng định, đến nay, các thiết chế cơ bản đã hoàn thiện, đủ mạnh để tăng tốc hoạt động KNĐMST ở Thừa Thiên Huế. Đó là các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước, của tỉnh Thừa Thiên Huế về KNĐMST đã được cụ thể hoá bằng các văn bản, là các nghị quyết, quyết định, đề án, kế hoạch triển khai như Đề án Cố đô khởi nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh “Quy định nội dung và mức hỗ trợ hệ sinh thái KNĐMST tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025”, “Quy định một số chính sách hỗ trợ đổi mới, cải tiến công nghệ, chuyển giao công nghệ và phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030”; đã thành lập Quỹ Đầu tư KNĐMST Thừa Thiên Huế… Hiện nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đã thành lập Trung tâm KNĐMST Thừa Thiên Huế; song song đó là sự phối hợp, hỗ trợ của Trung tâm KNĐMST của Đại học Huế; các trường đại học đã hình thành các câu lạc bộ, vườn ươm khởi nghiệp… Đây là các thiết chế quan trọng trong việc hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Các hội thảo, diễn đàn, cuộc thi KNĐMST được tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức thường kỳ, có chất lượng, tạo sự lan toả lớn trong cộng đồng khởi nghiệp ở trên địa bàn. Trong đó, diễn đàn KNĐMST được tổ chức hàng năm thu hút đông đảo và đầy đủ các thành phần (hơn 500 đại biểu), nhiều nội dung được trao đổi tại diễn đàn bởi các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực KNĐMST; Chủ tịch UBND tỉnh cùng các cơ quan ban ngành trực tiếp đối thoại, trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp về định hướng phát triển cũng như tháo gỡ những tồn tại, khó khăn trong hoạt động KNĐMST.
Cuộc thi KNĐMST do UBND tỉnh tổ chức đã thực sự đi vào thực tiễn, các ý tưởng dự án tham gia cuộc thi đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế xã hội ở địa phương. Theo đó, từ năm 2016 đến nay, hàng năm tỉnh đều tổ chức Cuộc thi KNĐMST, qua đó thu hút nhiều ý tưởng, dự án tham gia (trung bình mỗi cuộc thi có trên 50 hồ sơ tham gia). Cuộc thi được tổ chức bài bản, khoa học từ việc thành lập Ban tổ chức, hội đồng giám khảo (vòng bán kết và chung kết mời các chuyên gia ngoại tỉnh) đến thể lệ cuộc thi… Về giải thưởng có giải thưởng của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, các quỹ đầu tư và các tổ chức, doanh nghiệp tài trợ. Đặc biệt, đã lựa chọn các ý tưởng, dự án có chất lượng để đặt hàng triển khai nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh.
Ảnh minh họa
Giám đốc Sở KH&CN còn chia sẻ những kinh nghiệm trong hoạt động thông tin, truyền thông, về triển khai các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp; tổ chức các sự kiện kết nối cộng đồng KNĐMST… Về những nội dung khác như kinh nghiệm để xây dựng các câu lạc bộ, vườn ươm khởi nghiệp, sự kết nối, thu hút các chuyên gia hàng đầu về hỗ trợ địa phương trong hoạt động KNĐMST đã được TS Cung Trọng Cường, TS Hoàng Kim Toản chia sẻ cùng đoàn công tác của tỉnh Quảng Ngãi.
Kết nối, hợp tác mạng lưới khởi nghiệp ở các địa phương khu vực miền Trung và Tây Nguyên
Đánh giá về kết quả hoạt động KNĐMST ở tỉnh Thừa Thiên Huế cũng như các địa phương trong khu vực, TS Hồ Thắng nhận định, hệ sinh thái khởi nghiệp ở Thừa Thiên Huế nói riêng và các địa phương trong khu vực nói chung trong thời gian qua đang có những bước tiến tích cực và nhận được sự ủng hộ, quan tâm của các cấp chính quyền và cộng đồng khởi nghiệp. Tuy nhiên, nhu cầu về mặt liên kết của các chủ thể trong hệ sinh thái vẫn còn chưa được đáp ứng đẩy đủ. Một số hạn chế phải kể đến như thông tin về hệ sinh thái còn thiếu và phân tán chưa có nguồn lực để triển khai. Đặc biệt, chưa có phương thức, công cụ hỗ trợ thu thập dữ liệu, xử lý dữ liệu, khai thác và cung cấp dữ liệu có ích tới hệ sinh thái; công tác hỗ trợ và các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo còn diễn ra đơn lẻ, chưa có tính liên thông, liên kết; hoạt động liên kết giữa các cá nhân khởi nghiệp chưa chặt chẽ, chưa có nhiều thành viên tham gia. sHoạt động hợp tác, liên kết giữa các địa phương, vùng mặc dù đã có nhưng chưa đi vào chiều sâu, chỉ đang dừng lại ở mức độ tham gia sự kiện, học hỏi kinh nghiệm. Một số địa phương chưa có kế hoạch phát triển các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo…
Để khắc phục những khó khăn, hạn chế trên, trước hết, các địa phương trong vùng cần liên kết, hỗ trợ nhau trong các hoạt động của hệ sinh thái khởi nghiệp; đồng thời, có những đề xuất, kiến nghị đến các cấp chính quyền, bộ, ngành trung ương, đặc biệt là Văn phòng đề án 844 một số vấn đề như hỗ trợ, kết nối hệ sinh thái giữa các vùng, địa phương về định hướng, phương thức hoạt động, cách thức phối hợp, liên kết,… nhằm tối ưu hóa nguồn lực quốc gia, huy động và khai thác các nguồn lực trong và ngoài nước có hiệu quả, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển; Đề nghị Bộ KH&CN quan tâm kết nối, giới thiệu các tổ chức, cá nhân để hỗ trợ trong việc phát triển các ý tướng, sản phẩm khởi nghiệp để thương mại và hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp, đặc biệt là các ý tưởng, dự án khởi nghiệp đạt giải thưởng cuộc thi KNĐMST của tỉnh hằng năm; Đề nghị UBND các địa phương tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, chỉ đạo công tác phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh toàn diện, với sự tham gia, đồng hành của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương. Các sở, ban, ngành, đoàn thể cùng phối hợp, lồng ghép các chương trình, dự án, kế hoạch,… nhằm hỗ trợ khởi nghiệp phát triển, đặc biệt là các ý tưởng, dự án khởi nghiệp có khả năng phát triển.
Cụ thể, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế đã chia sẻ, đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ở các địa phương khu vực miền Trung và Tây Nguyên trong thời gian tới như sau:
(1) Thúc đẩy KNĐMST đi vào thực chất và hiệu quả
- Gắn hoạt động KNĐMST với khởi sự kinh doanh, những ý tưởng khởi sự kinh doanh có tiềm năng được lựa chọn cần áp dụng các chính sách hỗ trợ như các dự án KNĐMST.
- Tổ chức các cuộc thi khởi sự kinh doanh và KNĐMST cấp huyện; gắn với việc tổ chức cuộc thi cấp tỉnh và các cuộc thi khởi nghiệp của các tổ chức khác.
- Đẩy mạnh đầu tư vào KH&CN và đổi mới sáng tạo, hỗ trợ các ý tưởng sáng tạo, thông qua các nhiệm vụ KH&CN, gắn kết với cộng đồng doanh nghiệp.
- Tăng cường hệ thống đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia đổi mới sáng tạo và ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học nhằm tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng và phát triển.
- Thực hiện chính sách hỗ trợ thông qua dự án KH&CN như mô hình thử nghiệm hoặc dự án hỗ trợ nâng cao khả năng thương mại hóa sản phẩm cho các tổ chức, cá nhân khởi nghiệp.
- Khuyến khích các cá nhân có kiến thức, kinh nghiệm về khởi nghiệp tình nguyện tham gia công tác tư vấn, hỗ trợ học sinh, sinh viên tại các trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông.
(2) Xây dựng chính sách hỗ trợ đẩy mạnh ứng dụng chuyển giao, đổi mới công nghệ, thương mại hóa các kết quả nghiên cứu và phát triển KNĐMST
- Xây dựng và ban hành các chính sách hỗ trợ hệ sinh thái KNĐMST; khuyến khích sử dụng các nguồn Quỹ để tài trợ, hỗ trợ kinh phí nghiên cứu, thử nghiệm công nghệ, thị trường, cho vay với lãi suất thấp hoặc không lấy lãi, góp vốn đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp.
- Rà soát các thủ tục về hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo và doanh nghiệp theo hướng cắt giảm các thủ tục hành chính.
- Xây dựng cơ chế khuyến khích thu hút các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm mang thương hiệu có hàm lượng công nghệ cao.
- Triển khai mô hình liên kết 3 bên giữa chính quyền - trường học - doanh nghiệp, thúc đẩy thương mại hóa các ý tưởng nghiên cứu, đổi mới sáng tạo.
(3) Phát triển tài sản trí tuệ và thị trường KH&CN để thúc đẩy KNĐMST
- Đẩy mạnh hoạt động đăng ký, bảo hộ và khai thác các sáng chế/giải pháp hữu ích; hỗ trợ các mô hình khai thác sáng chế/GPHI và các dự án khởi nghiệp...
- Hỗ trợ triển khai các dự án xây dựng, quản lý và phát triển thương hiệu đối với các đặc sản, sản phẩm làng nghề, sản phẩm chủ lực địa phương. Hỗ trợ cải thiện khả năng thương mại hóa sản phẩm cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở sản xuất, kinh doanh với ứng dụng truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
- Thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên. Kết nối các bên tham gia vào thị trường KH&CN, tạo sự kết nối giữa nhà khoa học với cộng đồng doanh nghiệp.
- Tổ chức, tham gia các chương trình triển lãm, hội chợ quốc gia và quốc tế liên quan đến sáng tạo, khởi nghiệp nhằm kết nối hệ sinh thái giữa các địa phương và các quốc gia khác nhau.
(4). Tăng cường công tác quản lý nhà nước về khởi nghiệp
- Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tham gia và triển khai các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp.
- Phối hợp, liên kết để huy động nguồn lực hỗ trợ cho các hoạt động khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển.
- Các hoạt động truyền thông, khuyến khích và thúc đẩy hoạt động khởi sự kinh doanh hay khởi nghiệp đổi mới sáng tạo... cần thu hút nhiều tổ chức sự nghiệp và đoàn thể cũng như các địa phương và doanh nghiệp tham gia.
- Hỗ trợ, khuyến khích các trường đại học, cao đẳng... hình thành và phát triển các câu lạc bộ KNĐMST; khuyến khích đưa các chương trình giảng dạy KNĐMST vào các trường đại học, cao đẳng.