Thừa Thiên Huế đạt giải Thành phố hấp dẫn về Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Ngày cập nhật 02/12/2022

Trở thành một thành phố thông minh, hấp dẫn về Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) đóng vai trò rất lớn trong việc thu hút đầu tư và nguồn nhân lực tài năng đến Huế để phát triển kinh tế xã hội. Với sự phấn đấu, nỗ lực từ các cấp chính quyền, tối ngày 01/12/2022, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ  Công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam (VINASA) đã tổ chức Lễ vinh danh và Trao Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam 2022. Trong đó tỉnh Thừa Thiên Huế vinh dự đạt danh hiệu Thành phố hấp dẫn Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2022.

https://lh6.googleusercontent.com/nMPpth8FNqFg2QZP2GItioLEFjb47DOQGMHaoeqi-lRGLDmUMoAfRvliezHTHaTb-tT5fR2qT6HbfLr1-wT3ef0TRCvWyy2qV4XksIdBZuWm0RZU_B_vBb-Effo0Z8RCTvgn_WXkD13ls10Fs9EEQBqnIt6Rffohu3y4N5d0gJnZANbA8ybkJe8kU7Qy5Q

Ban tổ chức trao giải cho Thành phố thông minh cho tỉnh Thừa Thiên Huế thuộc lĩnh vực: Thành phố hấp dẫn, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Giải thưởng "Thành phố thông minh Việt Nam" được VINASA tổ chức thường niên từ năm 2020 nhằm ghi nhận, tôn vinh, cổ vũ các đô thị, tổ chức đẩy mạnh ứng dụng công nghệ làm thông minh hóa công tác công tác quản lý, điều hành đô thị, dịch vụ tiện ích cho người dân, doanh nghiệp. Đến nay, đã có 99 giải thưởng được trao, trong đó, có 12 giải dành cho các đô thị, 2 giải dành cho các dự án bất động sản, 84 giải dành cho các giải pháp công nghệ

Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam 2022 đã nhận được 148 đề cử, sơ loại và chọn vào vòng thuyết trình 68 đề cử từ 44 đơn vị. Hội đồng chung tuyển đã đánh giá và lựa chọn trao 43 giải thưởng. Cụ thể:

Có 8 giải thưởng dành cho 6 thành phố theo từng lĩnh vực. Trong đó, 3 thành phố: Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), Phổ Yên (tỉnh Thái Nguyên), Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước) được trao danh hiệu "Thành phố điều hành và quản lý thông minh".

Danh hiệu "Thành phố khởi nghiệp đổi mới sáng tạo" dành cho tỉnh Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng.

Danh hiệu "Thành phố giao thông và logistics thông minh" dành cho thành phố Đà Nẵng.

Danh hiệu "Thành phố ứng dụng thông minh phục vụ công dân và doanh nghiệp" dành cho Đà Nẵng và tỉnh Thái Nguyên.

Ngoài ra, còn có 34 giải thưởng dành cho các giải pháp số cho đô thị, bất động sản và bất động sản công nghiệp thông minh, 9 giải pháp xuất sắc nhất trong số này được xếp hạng 5 sao. Theo thống kê, riêng 34 giải pháp số cho thành phố thông minh từ được trao giải thưởng đã có tổng doanh thu trên 350 tỷ đồng. Các giải pháp đều được ứng dụng những công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), internet kết nối vạn vật (IoT), chuỗi khối (Blockchain)...

Thừa Thiên Huế - Nơi quy tụ tinh hoa để khởi nghiệp

Thừa Thiên Huế là vùng đất mang trong mình bề dày văn hoá lịch sử, với những giá trị văn hóa phong phú, đặc sắc. Huế tự hào có 7 di sản thế giới được UNESCO vinh danh, gần 1.000 di tích lịch sử văn hóa; hàng trăm ngôi chùa cổ, làng cổ, nhà rường, nhà vườn; hệ thống di tích lưu niệm về Bác Hồ cùng với các di tích lịch sử văn hóa, và hơn 500 lễ hội ấn tượng, đặc sắc gắn kết với hoạt động giao lưu văn hóa quốc tế tại các kỳ Festival Huế, đã tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo rất riêng của Huế trong thời hiện đại, góp phần nâng cao vị thế văn hóa Huế trong nước và quốc tế.

Thừa Thiên Huế - Nơi quy tụ nhiều tinh hoa để khởi nghiệp

Huế còn được biết đến là Kinh đô ẩm thực của Việt Nam, là vùng đất có nhiều làng nghề truyền thống gắn liền với những sản phẩm kết tinh giá trị từ lao động, sáng tạo và văn hóa của cộng đồng dân cư suốt bao đời nay như: Làng điêu khắc Mỹ Xuyên, gốm Phước Tích, Hoa giấy Thanh Tiên, Tranh dân gian Làng Sình, đan lát Bao La, gót Dã Lê, Đúc đồng Phường Đúc, dệt Zèng A Lưới... Tất cả đã tạo nên cốt cách của con người Huế, hình thành nên nếp sống văn hóa Huế trong kiến trúc, trong ẩm thực, trong trang phục và trong phong cách ứng xử.

Với những giá trị riêng biệt đó, tỉnh Thừa Thiên Huế đã xác định rõ quan điểm “Thừa Thiên Huế phát triển nhanh trên nền kinh tế tri thức, phát triển bền vững trên nền tảng văn hóa”, tỉnh Thừa Thiên Huế luôn ý thức sâu sắc trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa, luôn xem văn hóa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển nhằm khai thác tối đa hiệu quả các di tích lịch sử, các giá trị văn hóa giàu bản sắc truyền thống để phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Tại Diễn đàn gặp gỡ các Trưởng làng Công nghệ quốc gia, nằm trong chuỗi sự kiện giao ban KH&CN vùng Bắc Trung Bộ lần thứ XIV, ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN chia sẻ: “Tỉnh Thừa Thiên Huế có nhiều lợi thế đặc trưng riêng biệt về con người, văn hóa, nghệ thuật và đổi mới sáng tạo và đó cũng là triết lý để xây dựng Hệ sinh thái KNĐMST quốc gia. Để phát triển Hệ sinh thái Cố đô khởi nghiệp, tỉnh Thừa Thiên Huế không nên cạnh tranh với các thành phố lớn trong nước và quốc tế về cơ sở hạ tầng, bởi lẽ phải mất hàng chục năm nữa Huế mới có thể bắt kịp với thế giới, thay vào đó hãy tập trung vào thế mạnh đó là trí tuệ con người và nguồn nhân lực, đó là phần năng lượng tích cực nhất để chinh phục thế giới bằng sản phẩm, thương hiệu chất lượng và trí tuệ của Việt Nam”.

Trong những năm qua, hoạt động Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) đã và đang được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&CN và các bộ, ngành, địa phương rất quan tâm và chỉ đạo quyết liệt. Trong đó, việc triển khai các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia; nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của các sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ trong doanh nghiệp luôn được tỉnh Thừa Thiên Huế quan tâm, chú trọng. Trên cơ sở các Chương trình, Đề án quốc gia ban hành, Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Đề án Cố đô Khởi nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 nhằm tập trung hỗ trợ phát triển Hệ sinh thái KNĐMST, thúc đẩy hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp có tiềm năng phát triển công nghệ và mô hình kinh doanh mới, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tài sản trí tuệ và tiềm lực của địa phương để khởi sự kinh doanh và KNĐMST.

Điểm đặc biệt trong Đề án Cố đô khởi nghiệp, tỉnh Thừa Thiên Huế đã thành lập Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo của tỉnh, đây là thiết chế quan trọng trong việc hỗ trợ, kết nối về tài chính các tổ chức, nhóm cá nhân, cá nhân trong việc đầu tư phát triển các ý tưởng, dự án khởi nghiệp. Tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 21/2020/NQ-HĐND ngày 23/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định nội dung và mức chi hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025; Nghị quyết số 22/2020/NQ-HĐND ngày 23/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ cải tiến, đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ và phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030. Qua đó đã hỗ trợ hơn 100 doanh nghiệp tham gia cải tiến, đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ và phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh và hỗ trợ 06 dự án đạt giải cuộc thi KN ĐMST thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh.

Song với đó, tỉnh Thừa Thiên Huế đã kiến tạo ra nhiều môi trường cho doanh nghiệp khởi nghiệp thông qua các Đề án phát triển như: Đề án Nông nghiệp công nghệ cao; Đề án Phát triển vùng nguyên liệu, dược liệu; Đề án Phát triển công nghiệp công nghệ thông tin; Đề án Phát triển vùng nguyên liệu và các sản phẩm dược liệu gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm ở tỉnh Thừa Thiên Huế… thông qua các Chương trình Đề án đã ban hành, các start up, doanh nghiệp đã dựa trên cơ sở những định hướng, chủ trương, tiềm năng thế mạnh của tỉnh để khởi nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh Thừa Thiên Huế còn tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, gia tăng kết nối với các doanh nghiệp trên toàn quốc, các doanh nghiệp FDI để giải quyết các vấn đề của các ngành đang gặp phải…

Các chính sách của tỉnh nêu trên là một trong những nội dung hỗ trợ quan trọng của tỉnh đối với cộng đồng khởi nghiệp, động viên, khuyến khích tinh thần thởi nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển.

Với những chính sách, kế hoạch được triển khai sớm và tổ chức thực hiện phù hợp với thực tiễn, thiết thực, bám sát nội dung thuộc Đề án 844 của Chính phủ, đã giúp tỉnh Thừa Thiên Huế vinh dự là một trong 03 địa phương trên toàn quốc được Chương trình khởi nghiệp Quốc gia chứng nhận tỉnh Thừa Thiên Huế đạt danh hiệu Địa phương cống hiến tích cực cho hệ sinh thái khởi nghiệp năm 2021. Mới đây, tỉnh Thừa Thiên Huế đã được Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) lựa chọn trao Giải thưởng Thành phố thông minh 2022 tại lĩnh vực Thành phố hấp dẫn Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Dựa vào những thế mạnh trên, tỉnh Thừa Thiên Huế hứa hẹn sẽ là vùng đất hấp dẫn để khởi nghiệp, là nơi quy tụ, thu hút được nhiều trí tuệ tài năng đến từ các vùng đất khác nhau thông qua mô hình Làng Công nghệ với sự cố vấn của các chuyên gia quốc tế đang sở hữu bằng sáng chế, các nghiên cứu chuyên sâu, sẽ mở ra nhiều cơ hội lớn cho địa phương trong việc ứng dụng thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa.

Thừa Thiên Huế phải làm gì để trở thành một “Smart city”?

Chính phủ Việt Nam xác định phát triển đô thị thông minh, bền vững là một hướng đi có tính đột phá để góp phần nâng cao tính cạnh tranh quốc gia. Hiện nay, trong khu vực, Việt Nam đang là quốc gia tích cực xây dựng thành phố thông minh với 3 trong số 26 thành phố thuộc mạng lưới Thành phố thông minh ASEAN từ năm 2018, và hiện nay gần 40 địa phương tại Việt Nam đang triển khai xây dựng các thành phố thông minh. Có thể thấy, thành phố thông minh hiện đang là xu hướng phát triển tất yếu của tất cả các thành phố trên thế giới nhằm tối ưu hoá các nguồn lực, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, an ninh an toàn và tiện ích cho người dân và phát triển kinh tế xã hội.

Thành phố thông minh là thành phố được xây dựng trên nền tảng công nghệ thông tin giúp kết nối và tạo lên một hệ thống hữu cơ tổng thể được kết nối từ nhiều hệ thống thành phần với hệ thống trí tuệ nhân tạo. Thành phố thông minh là sự lựa chọn thông minh duy nhất có thể giúp các thành phố quy hoạch, quản lý, điều hành thành phố hiệu quả, mang lại cuộc sống xanh, tiện ích, thịnh vượng, kết nối cho người dân và là bệ phóng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

https://lh3.googleusercontent.com/y5LUb-vkTgFQahRWe6G0szn59HxtbidVWBzbWfSv8c9A9Kj8HeOgVy44fTHXntz_ZiFX90wC8QHNYpzG9F9G7YoKSzd9YOnxkIXC0wjsnGvUoWuFESFeii6cJozLnqK-ojzFGl3dTQMfPWa0GqBmCUKrn0DuVrHJhm9Ohjs8JFSY3DfujJp0hxTwegk6tA

Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức Lễ vinh danh và trao 43 giải thưởng thành phố thông minh Việt Nam 2022

Bằng việc ứng dụng các giải pháp công nghệ, nhiều đất nước đã thành công trong việc cải thiện môi trường cũng như tạo ra mô hình đô thị thông minh hàng đầu trên thế giới. Có thể thấy, tại các quốc gia phát triển trên thế giới như thành phố thông minh Singapore không chỉ dừng lại ở hạ tầng công nghệ hóa mà còn mở rộng biên độ, thông qua công nghệ kỹ thuật số để cải thiện chất lượng cung cấp và phát triển dịch vụ đô thị. Theo đó, 3 nội dung được ưu tiên, đó là: Thứ nhất, tập trung chăm sóc sức khỏe cộng đồng với hệ thống dịch vụ chăm sóc y tế thông minh; thứ hai, người dân có quyền tiếp cận nhà ở xã hội miễn phí, tích hợp điều kiện sống thuận lợi, tính bền vững và phát triển; thứ ba, xây dựng hệ thống giao thông tích hợp các phương thức di chuyển chủ động để mọi người tận hưởng những tiện ích mà thành phố cung cấp. Còn tại thủ đô Seoul (Hàn Quốc) đã công bố kế hoạch phát triển một nền tảng tổng hợp để tiến hành các dịch vụ công như du lịch, giáo dục, trải nghiệm văn hóa và các dịch vụ dân sự. Đây là lần đầu tiên metaverse được công bố như một sáng kiến ​​thành phố thông minh. Không dừng lại ở việc giải quyết các vấn đề hành chính công trên không gian ảo, kế hoạch Metaverse Seoul còn mở ra nhiều cơ hội để quảng bá rộng rãi hình ảnh, văn hóa và con người xứ sở Kim chi ra quốc tế nhờ tiếp cận với các du khách trên nền tảng metaverse. Tại Israel chiến lược “đô thị nông nghiệp” đã được đầu tư phát triển, nhiều ứng dụng công nghệ cao trong hoạt động nông nghiệp ở thành phố đã được ứng dụng vào đời sống sản xuất, giúp tiết kiệm năng lượng, phát triển bền vững và nâng cao đời sống của người dân. Còn tại Đức đã có những chương trình quy mô quốc gia về thành phố thông minh, với nhiều cuộc thi tìm sáng kiến và giải pháp cho Smart City nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Và tại Trung Quốc, riêng quốc gia này đã có khoảng 300 dự án thành phố thông minh thí điểm đang được triển khai tại một số thành phố lớn…

Theo tổ chức IDM – Trung tâm cạnh tranh toàn cầu cho rằng: “Trở thành một thành phố thông minh được công nhận trên toàn cầu hiện nay rất quan trọng trong việc thu hút đầu tư và thu hút nguồn nhân lực tài năng. Điều này tạo ra một chu kỳ phát triển của các nhóm thành phố tiên tiến trên thế giới”.

Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị nêu rõ quan điểm, mục tiêu về việc xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế; với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và đô thị thông minh.... Đến năm 2030, Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao... Đến năm 2045, Thừa Thiên Huế là thành phố Festival, trung tâm văn hóa, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của châu Á.

Trong tiến trình xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Thừa Thiên Huế đã bám sát các chủ trương, định hướng phát triển đúng với tinh thần Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị. Trên cơ sở đó tỉnh Thừa Thiên Huế đã xác định rõ các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh: “Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, Công nghệ thông tin và truyền thông là đột phá, Công nghiệp và Nông nghiệp công nghệ cao là nền tảng”. Trên cơ sở nhu cầu phát triển của các ngành kinh tế xã hội trọng điểm, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ đặt ra các “bài toán” cần thiết để kêu gọi các doanh nghiệp, start up cùng tham gia giải quyết bằng các mô hình công nghệ mới, các giải pháp công nghệ phù hợp để xây dựng Hệ sinh thái đô thị thông minh, qua đó thu hút nguồn lực đầu tư quốc tế cho KNĐMST tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

Để phát triển thành phố đô thị thông minh, điều đầu tiên lãnh đạo chính quyền phải có tư duy đổi mới và đặt quyết tâm cao trong việc thay đổi mô hình phát triển đô thị cũ sang triển khai mô hình smart city. Thứ hai, tăng cường tái cấu trúc nền kinh tế và một số lĩnh vực ưu tiên trọng điểm của tỉnh Thừa Thiên Huế để hướng đến xây dựng, phát triển hệ thống, hạ tầng công nghệ đồng bộ, kết nối liên thông với quốc gia và quốc tế. Thứ ba, chính quyền kiến tạo, ban hành các cơ chế chính sách đặc thù, tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi cho phép các start up, doanh nghiệp, công dân và chính quyền địa phương hợp tác, đưa ra sáng kiến, các giải pháp công nghệ để giải quyết các bài toán đặt ra, những vấn đề cấp thiết của đô thị. Thứ tư, tập trung vào chương trình chuyển đổi số, chú trọng tạo lập các cơ sở dữ liệu lớn Big Data, phục vụ cho các nhà khoa học, các doanh nghiệp khai thác phát triển các dịch vụ trong Hệ sinh thái đô thị thông minh. Thứ năm, huy động tối đa các nguồn lực xã hội hoá: về nguồn lực tài chính, nhân lực vận hành smart city; thu hút nguồn lực dựa vào tự do thương mại và đầu tư trực tiếp nước ngoài; tăng cường hợp tác đầu tư vào cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực nhằm huy động các nguồn lực cùng tham gia đầu tư phát triển. Thứ sáu, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực KHCN, công nghệ thông tin; đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng, lợi ích của việc xây dựng và phát triển Hệ sinh thái đô thị thông minh.

Để duy trì sự phát triển của quốc gia và phát triển của nền kinh tế thì hướng đi phát triển đô thị thông minh sẽ là xu hướng tất yếu, khi nhiều công nghệ mới ra đời và ngày càng phát triển vượt bậc thì mô hình đô thị cũ không còn đáp ứng được nhu cầu hội nhập quốc tế hiện nay. Do đó, tận dụng tối đa nền tảng công nghệ để cải thiện chất lượng cuộc sống người dân, giải quyết các vấn đề nhức nhối của đô thị nhưng vẫn giữ nguyên được thiết kế cấu trúc, những giá trị, nét đẹp văn hóa Cố đô và kết nối được tính hiện đại sẽ là hướng đi mới trong tương lai. Biến thành phố Huế trở nên thông minh hơn, đáng sống hơn góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân và sự phát triển bền vững của đất nước.

Kiều Oanh
Các tin khác
Xem tin theo ngày