Diễn đàn quy tụ với nhiều lãnh đạo các Sở ban ngành tỉnh Thừa Thiên Huế, các chuyên gia, doanh nghiệp nhằm thảo luận, đánh giá những tiềm năng, cơ hội, thách thức của ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế. Qua đó, đặt hàng, tìm kiếm các mô hình, giải pháp công nghệ mới phù hợp với định hướng phát triển ngành du lịch, cũng như kêu gọi các nhà đầu tư, trưởng làng công nghệ, các startup đến Huế hiến kế các giải pháp để giải quyết các nhu cầu đặt ra trong lĩnh vực du lịch.
Toàn cảnh Diễn đàn
Nhận diện đúng tiềm năng để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Thừa Thiên Huế từ lâu được xác định là một trong những trung tâm văn hóa du lịch của cả nước, từng là Cố đô, Thủ phủ của xứ Đàng Trong, là vùng đất có nền văn hóa, lịch sử đặc sắc của Việt Nam. Với việc sở hữu 7 di sản vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu được UNESCO công nhận, Thừa Thiên Huế có sức thu hút các nhà nghiên cứu và khách du lịch trên toàn thế giới. Trên góc độ liên kết, Thừa Thiên Huế là cửa ngõ của tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây, là trung điểm và là điểm kết nối trong hành trình ‘‘con đường Di sản miền Trung’’. Huế còn có cảng biển nước sâu Chân Mây, sân bay quốc tế Phú Bài mới mở rộng rất thuận lợi để thu hút khách du lịch. Song song với hệ thống tài nguyên nhân văn, thiên nhiên ưu đãi cho Thừa Thiên Huế hệ thống tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú, nhiều loại địa hình đa dạng bao gồm: biển, đồng bằng, gò đồi, rừng núi, đầm phá,...
Nhằm thúc đẩy những tiềm năng du lịch của tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành ngành kinh tế xã hội trọng điểm, ông Trần Văn Tùng - Nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN chia sẻ: Tỉnh Thừa Thiên Huế có nhiều tiềm năng lớn về văn hoá, lịch sử, con người, tài nguyên thiên nhiên để phát triển du lịch, do đó tỉnh cần thúc đẩy, thu hút sự tham gia của của đa dạng các thành tố tham gia vào hệ sinh thái khởi nghiệp, trong đó, chính quyền địa phương và các tập đoàn lớn sẽ đóng vai trò là những người ra đề, đặt hàng và mua lại các giải pháp của các cho startup. Thông qua đó, địa phương và các tập đoàn sẽ hưởng lợi và tận dụng nguồn lực đổi mới sáng tạo để phát triển kinh tế xã hội của địa phương, đất nước.
Ông Trần Văn Tùng - Nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN chia sẻ tại Diễn đàn
Chia sẻ về định hướng xây dựng và phát triển ngành du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, ông Nguyễn Văn Phúc – Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế tập trung vào các nhóm giải pháp sau: Một là, tập trung triển khai các Nghị quyết, Quy hoạch, Kế hoạch, Đề án của Trung ương và địa phương về phát triển du lịch trong đó tiếp tục nghiên cứu các cơ chế, chính sách phù hợp và thông thoáng hơn nhằm hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ, lữ hành.. Đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chương trình hành động du lịch xanh theo định hướng “Điểm đến du lịch xanh, sạch, đẹp, văn minh, thân thiện”. Hai là, tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng, cơ sở vật chất phát triển du lịch, ưu tiên hạ tầng phát triển du lịch thông minh và bền vững, ưu tiên phát triển hạ tầng phục vụ du lịch thông minh, tập trung nguồn lực để chuyển đổi số trong ngành du lịch. Đẩy mạnh ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ để phát triển du lịch; thực hiện chuyển đổi số, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch. Ba là, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch chủ lực, đặc thù mang bản sắc Huế, có tính sáng tạo cao. Tập trung phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch hiện có vừa xây dựng những sản phẩm mới, sản phẩm cốt lỏi, đẳng cấp, chất lượng cao, mang đậm bản sắc gắn với văn hóa Huế, con người Huế. Bốn là, tăng cường công tác xúc tiến quảng bá du lịch chuyên nghiệp, hiệu quả, thiết thực. Năm là, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động du lịch; hoàn thiện môi trường du lịch và liên kết, hợp tác phát triển du lịch. Sáu là, tiếp tục nâng cao chất lượng phát triển nguồn nhân lực du lịch.
Ông Nguyễn Văn Phúc – Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ tại Diễn đàn
Liên quan đến tiềm năng, lợi thế của Huế trong phát triển du lịch dưới góc nhìn văn hoá, ông Phan Thanh Hải – Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ: Huế là nơi sản sinh ra chiếc áo dài ngũ thân từ đầu thế kỷ XVII, được nâng lên thành quốc phục của cư dân Đàng Trong từ giữa thế kỷ 18, rồi trở thành quốc phục của người Việt Nam dưới thời Nguyễn. Ông Phan Thanh Hải cho rằng việc biến áo dài Huế trở thành sản phẩm công nghiệp sáng tạo hoàn toàn có tính khả thi. Bởi, Huế rất thuận lợi để ban hành các chính sách, cơ chế phát huy nghề may đo áo dài nhằm phục vụ những người có điều kiện, yêu chuộng sự cầu kỳ, tỉ mẩn, tài hoa của các nghệ nhân.
Ông Phan Thanh Hải – Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ Đề án “Huế - Kinh đô Áo dài” gắn với phát triển các ngành công nghiệp sáng tạo trong phát triển du lịch Huế
Chia sẻ về nội dung chuyển đổi số trong du lịch từ góc nhìn trải nghiệm của khách hàng, ông Cung Trọng Cường - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Dưới góc nhìn trải nghiệm của khách hàng, khách hàng mong muốn các giải pháp công nghệ trong việc tìm kiếm: Thông tin du lịch và dịch vụ hỗ trợ; Chỗ ở và dịch vụ ăn uống; Giao thông và đi lại; Địa điểm tham quan; Điều hành tour và đại lý du lịch… do đó, việc tập trung đẩy mạnh, ứng dụng chuyển đổi số phục vụ cho hệ sinh thái Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế mang lại nhiều cơ hội cho các statrt up khởi nghiệp khi tham gia cung cấp các giải pháp công nghệ để phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh của tỉnh.
Ông Cung Trọng Cường - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ tại Diễn đàn
Tại phiên Toạ đàm, đại diện lãnh đạo các Sở ngành tỉnh Thừa Thiên Huế, các chuyên gia, doanh nghiệp đã thảo luận, chia sẻ những giải pháp để thu hút đầu tư, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch tại tỉnh Thừa Thiên Huế xoay quanh các nội dung về các giải pháp thu hút đầu tư, xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm, điểm đến du lịch, chất lượng dịch vụ du lịch tại tỉnh Thừa Thiên Huế cũng như những định hướng trong phát triển du lịch, quy hoạch tỉnh và các chính sách hỗ trợ đầu tư, hỗ trợ KNĐMST tại tỉnh Thừa Thiên Huế.
Các diễn giả chia sẻ tại Diễn đàn
Cần những tư duy mở để xây dựng hệ sinh thái KNĐMST mở
Bàn về định hướng xây dựng hệ sinh thái KNĐMST “mở”, ông Hồ Thắng – Giám đốc Sở KH&CN nhấn mạnh 06 yếu tố: Thứ nhất, yếu tố lãnh đạo phải nhất quán trong định hướng và hành động; Thứ hai, nhà nước phải kiến tạo môi trường thúc đẩy hoạt động đầu tư, KNĐMST để phát triển trong các ngành kinh tế tiềm năng, đặt ra các bài toán để doanh nghiệp tham gia vào các ngành trọng điểm của tỉnh. Thứ ba, huy động sự vào cuộc của các thành tố của hệ sinh thái, cơ quan nhà nước, viện, trường học, tổ chức chính trị xã hội, cộng đồng doanh nghiệp. Thứ tư, tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp đổi mới công nghệ, trang thiết bị máy móc, tái cơ cấu năng lực sản xuất kinh doanh. Thứ năm, xem trọng ứng dụng thành tưu KH&CN, ứng dụng các kết quả nghiên cứu để thương mại hóa, xem đây là hướng đi chủ đạo gắn nhà khoa học với doanh nghiệp. Thứ sáu, đa dạng nguồn lực theo hướng mô hình KN ĐMST mở để thu hút đầu tư từ chuyển giao công nghệ, FDI, thu hút nguồn lực từ các Làng công nghệ tham gia và phát triển mạng lưới hệ sinh thái KNĐMST.
Ông Hồ Thắng – Giám đốc Sở KH&CN phát biểu và báo cáo đề dẫn tại Diễn đàn
Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Trần Văn Tùng – Nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN cho biết: Trong định hướng xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, Bộ KH&CN xây dựng chiến lược, định hướng phát triển mô hình đổi mới sáng tạo mở, thu hút các đối tác trong nước và quốc tế tham gia xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở, hợp tác, liên kết, kết nối các làng Công nghệ, hệ sinh thái KNĐMST Quốc gia và quốc tế để tham gia giải quyết các vấn đề đặt ra của chính quyền địa phương, các tổng công ty.
Liên quan đến về vấn đề “mở” dưới góc độ văn hóa, ông Phan Thanh Hải – Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết: Huế luôn xác định vấn đề bảo tồn phải luôn song hành cùng với sự phát triển văn hóa. Do đó, cần nhìn nhận vấn đề phát triển các ngành công nghiệp sáng tạo dưới góc độ mở, mở ở góc nhìn, đổi mới trong tư duy người quản lý và các tổ chức, cá nhân; phải tham gia hoạt động công nghiệp sáng tạo để có định hướng rõ trong việc cái gì cần phải bảo tồn, phát triển, và ở mức độ nào là phù hợp.
Dưới góc nhìn các nhà khởi nghiệp, ông Trương Thanh Hùng, Chủ tịch FiNNO Group - Phó Chủ tịch Hội đồng cố vấn KNĐMST Quốc gia đã gợi mở một số ý tưởng KNĐMST dựa trên tài nguyên du lịch bản địa tại tỉnh Thừa Thiên Huế như: Hình thành các Tour trải nghiệm “Một ngày làm cô gái Huế”; Trải nghiệm thực tế ảo cung đình; Trải nghiệm nghệ thuật ánh sáng Hoàng Cung; Kỳ nghỉ trải nghiệm cuộc sống hoàng gia; Hoàng đế vi hành bằng xe ngựa; Tìm về và sống chậm giữa lòng Cố Đô; Ngày hội trang phục Cung đình…
Ông Trương Thanh Hùng, Chủ tịch FiNNO Group - Phó Chủ tịch Hội đồng cố vấn KNĐMST Quốc gia chia sẻ tại Diễn đàn
Tư duy “mở” được xem là “chiếc chìa khoá" giúp các start up bứt phá và tiên phong trong lĩnh vực khởi nghiệp của mình. Tại Diễn đàn, đại diện các doanh nghiệp, start up đã chia sẻ các giải pháp công nghệ phục vụ cho hoạt động trải nghiệm du lịch của du khách qua phần giới thiệu giải pháp công nghệ ứng dụng phát triển du lịch theo hướng chuyển đổi số của Công ty cổ phần IGB và mô hình không gian sáng tạo Sống Platform, Bảo tàng triển lãm các tác phẩm nghệ thuật số kết hợp giữa giáo dục, nghệ thuật và giải trí mang đậm màu sắc bản địa của Công ty cổ phần Sống Platform.
Đại diện các doanh nghiệp, start up trình bày, giới thiệu các giải pháp công nghệ, mô hình du lịch mới
Hy vọng rằng, thông qua Diễn đàn "Thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế" sẽ gợi mở thêm nhiều ý tưởng khởi nghiệp mới đóng góp cho sự phát triển của ngành Du lịch Thừa Thiên Huế, góp phần phần hiện thực hóa mục tiêu thực hiện thắng lợi Nghị quyết 54-NQ/TW, ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.