Ngày 18/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 844/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng trạo quốc gia đến năm 2025". Đây là tiền đề và cơ sở pháp lý cho những hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cả nước nói chung và tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng. Xác định khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội, tỉnh Thừa Thiên Huế đã và đang triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Trong đó, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025, xây dựng chính sách hỗ trợ khởi nghiệp và xúc tiến thành lập Khu tập trung dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh. Trên cơ sở định hướng của tỉnh các đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh cũng đã triển khai một số hoạt động khởi nghiệp trong sinh viên... Từ đó, đã hình thành được các vườn ươm công nghệ, vườn ươm doanh nghiệp khởi nghiệp và các câu lạc bộ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ khẳng định, Diễn đàn lần này là cơ hội để các cấp, ngành, các nhà trường chia sẻ những thông tin và kinh nghiệm trong việc hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đạt hiệu quả nhất, nhằm đưa các ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vào đời sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế -xã hội. Tuy nhiên, việc hỗ trợ và phát triển khởi nghiệp không phải là việc riêng của một cá nhân, một nhóm hay một đơn vị mà đòi hỏi phải có sự vào cuộc một cách đồng bộ và kết nối của các bên liên quan; Vì đây là điều cốt lõi để tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển mạnh và bền vững, hỗ trợ có hiệu quả cho hoạt động khởi nghiệp.
Tại Diễn đàn, các đại biểu cùng nhau trao đổi, thảo luận trên báo cáo của các cơ quan quản lý trong việc xây dựng, vận hành hệ sinh thái khởi nghiệp, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hành trình khởi nghiệp và kết nối nguồn lực thúc đẩy khởi nghiệp; các khó khăn và giải pháp nâng cao chất lượng các dự án khởi nghiệp... Ông Trần Quốc Thắng, Phó Giám đốc phụ trách Sở KH&CN đã báo cáo tình hình triển khai hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp, Bộ KH&CN đã trình bày các chính sách phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; dự kiến một số hoạt động Techfest 2019; ông Phạm Duy Hiếu, Quyền Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần An Bình, Chủ tịch Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam đã trình bày về hành trình khởi nghiệp và những thách thức đặt ra, một số kiến nghị về hợp tác phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh… Một số tác giả đạt giải thưởng cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2016, 2017, 2018 cũng đã phát biểu tại Diễn đàn.
Dịp này, Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế phát động Cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh năm 2019”. Đối tượng dự thi gồm: Các tổ chức, nhóm cá nhân, cá nhân có ý tưởng, dự án khởi nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới dự kiến triển khai và phát triển trên địa bàn (ưu tiên các ý tưởng, dự án khởi nghiệp đã có sản phẩm cụ thể). Đối với doanh nghiệp khởi nghiệp có thời gian đăng ký hoạt động không quá 5 năm, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu. Mỗi tổ chức, nhóm cá nhân, cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp có thể tham gia một hay nhiều ý tưởng, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Hồ sơ dự thi gồm: 01 bộ, được trình bày bằng Tiếng Việt, không tẩy xóa, đánh máy trên khổ A4, bao gồm:
a) Phiếu đăng ký dự thi theo mẫu (Mẫu M-1a hoặc M-1b);
b) Thuyết minh ý tưởng, dự án khởi nghiệp theo mẫu (Mẫu M-2);
c) Sản phẩm, mô hình, bản vẽ, phim ảnh, tài liệu,…kèm theo (nếu có).
Thời hạn nhận hồ sơ dự thi: đến 17 giờ 00, ngày 15/8/2019