Bước tiến trong tiến trình đổi mới quản trị quốc gia về KH&CN
Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra sâu rộng, tác động toàn diện và sâu sắc đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội, việc đổi mới quản trị quốc gia về KH&CN theo hướng hiện đại, đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, ứng dụng KHCN là một xu thế tất yếu khi cách quản lý truyền thống bằng sổ, sách đã dần bộc lộ nhiều điểm hạn chế.
Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, đặt ra những yêu cầu khách quan về đổi mới tư duy, nhận thức quản trị, vị trí, vai trò của các chủ thể.... trong tiến trình xây dựng chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 – 2025. Điều này đòi hỏi, cần phải huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, tìm ra cách làm mới, tạo sự đột phá hơn.
Xét về bản chất, đổi mới quản trị quốc gia được hiểu là quá trình chuyển đổi từ phương thức quản lý nhà nước truyền thống kém hiệu quả sang phương thức quản trị quốc gia hiệu quả hơn bằng cách áp dụng KHCN trong quản trị cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) để giải quyết những vấn đề chung.
Giao diện Cổng kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia tại tỉnh Thừa Thiên Huế
Những thành tựu to lớn của cuộc cách mạng KHCN hiện đại đã làm thay đổi cách thức hoạt động của việc quản lý CSDL truyền thống, mở đường cho xu hướng quản trị số trong tương lai. Việc xây dựng Cổng kết nối CSDLQG về KH&CN tại tỉnh Thừa Thiên Huế có ý nghĩa rất quan trọng trong chiến lược chuyển đổi số của ngành KH&CN. Điều này, giúp các nhà quản lý thay đổi phương thức quản lý thông tin thủ công, truyền thống, sang hướng hiện đại hóa, số hóa bằng cách thực hiện việc quản lý nhân lực nghiên cứu khoa học (NCKH), các công trình, đề tài NCKH thông qua mã định danh cá nhân.
Vậy khai trương Cổng kết nối CSDLQG về KH&CN tại tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ giúp các nhà quản lý giải quyết được những bài toán nào?
Nhìn chung, các giải pháp công nghệ được xem như mảnh ghép trong bức tranh chuyển đổi số, Cổng kết nối CSDLQG về KH&CN tại tỉnh Thừa Thiên Huế cũng không ngoại lệ. Hệ thống này sẽ là giải pháp quản lý, giúp lưu trữ, tổ chức CSDL một cách khoa học và có tính hệ thống; thuận tiện cho việc tra cứu, tìm kiếm các thông tin tham khảo chính thống; phục vụ công tác hoạch định chiến lược, chính sách; quản lý và điều hành hoạt động KH&CN của các Bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, hệ thống Cổng kết nối CSDLQG về KHCN còn góp phần minh bạch hóa, công khai các nhiệm vụ nghiên cứu KHCN (bao gồm kết quả của các nhiệm vụ đã triển khai và các nhiệm vụ đang triển khai) sẽ khắc phục, hạn chế sự chồng chéo, trùng lặp các nhiệm vụ KH&CN gây lãng phí nguồn lực; chấm dứt tình trạng “đạo văn” trong NCKH.
Vừa qua, tại buổi lễ Khai trương Cổng kết nối CSDLQG ở tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Trần Đắc Hiến - Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN quốc gia nhấn mạnh “Việc xây dựng CSDLQG là một trong những nhiệm vụ trọng yếu hàng đầu của Cục Thông tin KH&CN quốc gia cũng như ngành KH&CN nói chung trong quá trình chuyển đổi số hiện nay. Cục Thông tin KH&CN quốc gia mong muốn, Cổng kết nối CSDLQG sẽ kết nối đồng bộ với Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế, phục vụ nguồn thông tin tham khảo chính thống, giúp tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý công tác NCKH và phát triển công nghệ trên địa bàn. Trong thời gian tới, Cục Thông tin KH&CN quốc gia cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế trong việc cung cấp, chia sẻ kho dữ liệu thông tin. Đồng thời, nâng cấp hệ thống. bổ sung, cập nhật đầy đủ, kịp thời thông tin trên hệ thống dữ liệu quốc gia của Bộ KH&CN nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển chung của toàn ngành”.
Bắt kịp xu hướng để đột phá
Để phát triển nhanh và bền vững cần dựa chủ yếu vào KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Để làm được điều đó các nhà quản lý cần đổi mới tư duy và hành động, nâng cao trình độ hấp thụ, làm chủ công nghệ, chủ động nắm bắt kịp thời các giải pháp công nghệ mới để không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh trong xu thế hội nhập thế giới.
Xác định chiến lược chuyển đổi số, phát triển mạnh mẽ KHCN và đổi mới sáng tạo là nhiệm vụ quan trọng của ngành KH&CN trong việc tháo gỡ các nút thắt, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Trong xu hướng chung, Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiên phong hợp tác, kết nối xây dựng Cổng CSDLQG về KH&CN đặt tại tỉnh Thừa Thiên Huế trên nền tảng kết nối, chia sẻ, tích hợp với hệ thống thông tin của Bộ, ngành Trung ương. Từng bước thực hiện lộ trình chuyển đổi số hướng đến chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số.
Lãnh đạo Bộ và Sở KH&CN khai trương cổng kết nối CSDLQG về KH&CN tại Thừa Thiên Huế
Phát biểu tại lễ Khai trương Cổng kết nối CSDLQG về KH&CN, TS Hồ Thắng – Giám đốc Sở KH&CN, cho biết: “Đây là sự kiện có ý nghĩa để triển khai toàn diện, đồng bộ các nhiệm vụ của ngành KH&CN và đổi mới sáng tạo gắn với chuyển đổi số ngành KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 – 2025. Đồng thời tạo tiền đề cho việc kết nối, tích hợp và đồng bộ 10 CSDL thành phần kiến tạo nên CSDLQG về KH&CN. Qua đó, đẩy mạnh công tác quản lý, điều hành, hoạch định chính sách về KH&CN của tỉnh, hoạt động NCKH và phát triển công nghệ, ứng dụng công nghệ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Việc khai thác CSDLGQ sẽ mang lại những thuận lợi rất lớn, thể hiện được một Trung tâm KH&CN của cả nước và Sở KH&CN sẽ là đơn vị tiên phong để hoàn thiện Cổng này, kết nối với phần mềm quản lý nhiệm vụ KH&CN của tỉnh Thừa Thiên Huế, cũng như gắn kết những kết quả nghiên cứu của Đại học Huế, Bệnh viện Trung ương Huế và các tổ chức KHCN trên địa bàn, từ đó nâng cao hiệu lực hiệu quả công tác quản lý hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN ngày càng tốt hơn”.
Do đó, mục đích cuối cùng của việc xây dựng Cổng kết nối CSDLQG về KH&CN là hướng đến phục vụ các nhà khoa học, người dân và doanh nghiệp. Hệ thống Cổng kết nối tạo nên nguồn thông tin dữ liệu đồ sộ giúp các nhà quản lý khoa học và các nhà nghiên cứu tiết kiệm thời gian, chi phí, dễ dàng tiếp cận thông tin, tạo lập môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, tổ chức tham gia tra cứu, cập nhật các thành tựu, tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất góp phần tăng năng suất lao động và thực hiện Chiến lược chuyển đổi số quốc gia. Việc Khai trương Cổng kết nối CSDLQG tại tỉnh Thừa Thiên Huế lần này còn đóng góp cho các nhà khoa học của Đại học Huế, các doanh nghiệp quan tâm có thể khai thác những công trình KH&CN trên toàn quốc. Đây cũng thể hiện quan điểm xuyên suốt của Chính phủ trong việc lấy người dân làm trung tâm, đồng thời lan tỏa, truyền cảm hứng đến người dân và toàn xã hội muốn làm, cùng làm và đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin.
Để xứng tầm với Trung tâm KHCN của cả nước, việc kết nối Cổng CSDLQG về KH&CN chỉ là mảnh ghép nhỏ trong xu hướng chuyển đổi số của ngành KH&CN. Điều đó, đặt ra cho ngành KH&CN cần nổ lực nhiều hơn nữa, chủ động đẩy mạnh hợp tác, hội nhập quốc tế về KHCN và đổi mới sáng tạo; tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm của thế giới để ứng dụng phát triển phù hợp với thực tế của địa phương; tận dụng tối đa các tiện ích công nghệ thông tin, các giải pháp công nghệ mới nhằm thúc đẩy hoạt động quản lý các nhiệm vụ NCKH công khai minh bạch, kích thích tính đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp trong thời đại Kỷ nguyên số.