Nhiều văn bản hỗ trợ cho đổi mới sáng tạo nhưng chưa thực sự rõ ràng
Đổi mới sáng tạo được xác định là một trong những yếu tố then chốt để phát triển kinh tế-xã hội. Quyết định số 569/QĐ-TTg, ngày 11/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 đã nêu rõ: "Xây dựng và phát triển hệ thống các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, trung tâm đổi mới sáng tạo vùng, ngành, các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo nhằm phát triển, tích hợp hình thành các cụm liên kết đổi mới sáng tạo với các khu công nghệ cao, khu dân cư, trung tâm tài chính, quỹ đầu tư mạo hiểm, trường đại học, viện nghiên cứu…".
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy còn nhiều vấn đề xung quanh khái niệm về Trung tâm Đổi mới sáng tạo và phương thức vận hành, quản lý các Trung tâm Đổi mới sáng tạo có đủ khả năng phát triển bền vững, thực chất, hiệu quả.
Tại chuỗi sự kiện Hỗ trợ thiết kế mô hình Trung tâm Đổi mới sáng tạo tại Việt Nam do Học viện KHCN và Đổi mới sáng tạo (Bộ KH&CN) phối hợp với Đại học Queensland (Australia) tổ chức mới đây, các chuyên gia trong và ngoài nước đều cho rằng, rất nhiều địa phương, tổ chức đang đề xuất và xây dựng, phát triển mô hình Trung tâm Đổi mới sáng tạo ở các quy mô và cấp độ, tên gọi khác nhau. Nhưng về bản chất, các Trung tâm Đổi mới sáng tạo đều phải đối mặt với câu hỏi liên quan đến sứ mệnh, mục tiêu, vị trí, vai trò và các giá trị cốt lõi.
Ngoài ra, những vấn đề về mô hình tạo doanh thu và cân bằng tài chính, đối tượng khách hàng, phân khúc thị trường, nguồn lực cần thiết để vận hành, các mô hình thiết kế cấu trúc của một trung tâm cấp vùng, khu vực... cần như thế nào cho phù hợp?
Theo ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), việc hình thành và phát triển trung tâm đổi mới sáng tạo ở Việt Nam là vô cùng cần thiết. Mặc dù hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của nước ta đã đạt những kết quả bước đầu tích cực nhưng vẫn chưa thực sự chạm tới những doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Bởi về pháp lý, Việt Nam có khá nhiều văn bản hỗ trợ cho đổi mới sáng tạo nhưng chưa thực sự rõ ràng, vì thế rất khó để triển khai. Về nhân lực, giáo dục và đào tạo tại trường đại học còn nặng lý thuyết, thiếu kinh nghiệm thực chiến cho sinh viên.
Đối với các chính sách hỗ trợ, nhiều cơ quan, bộ, ban, ngành đã đưa ra những chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên, thực tế nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn loay hoay không biết tìm sự hỗ trợ và vốn đầu tư từ đâu.
Trong khi chủ thể chính thực hiện đổi mới sáng tạo là cộng đồng doanh nghiệp, lực lượng tạo ra việc làm và tạo ra tăng trưởng. Với doanh nghiệp, hoạt động đổi mới sáng tạo chính là quá trình nghiên cứu, phát triển, làm mới sản phẩm, thay đổi quy trình, dịch vụ hoặc mô hình kinh doanh, nhằm tạo ra nhiều lợi ích hơn, đóng góp cho xã hội những giá trị cao hơn.
Việc doanh nghiệp thiếu thông tin về các chính sách, hình thức hỗ trợ của Nhà nước về đổi mới sáng tạo là một rào cản khiến doanh nghiệp chưa tận dụng được cơ hội, hay chưa phát huy tốt những điều kiện thuận lợi trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, đặc biệt là cộng đồng khởi nghiệp còn gặp khó trong việc tiếp cận nguồn vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm.
Bên cạnh những khó khăn đối với doanh nghiệp, các Trung tâm đổi mới sáng tạo hiện nay cũng có những thách thức. Trong đó, những Trung tâm Đổi mới sáng tạo công lập gặp phải "điểm nghẽn" về mô hình tự chủ của tổ chức sự nghiệp, các yêu cầu liên quan đến quản lý đầu tư, quản lý tài sản, chia sẻ và sử dụng tài sản công và hành lang pháp lý để vận hành. Còn các Trung tâm đổi mới sáng tạo tư nhân phải đối mặt với các thách thức về phát triển nguồn thu, lợi nhuận, khách hàng...
Cùng nhau xây dựng nên những trung tâm đổi mới sáng tạo chất lượng
Theo ông Ed Morrison, Tổ chức Agile Strategy Lab, Đại học North Alabama (Mỹ), để thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở Việt Nam cần có sự kết nối chặt chẽ giữa trường đại học, viện nghiên cứu với doanh nghiệp. Để làm được điều này cần thường xuyên tổ chức diễn đàn, hội nghị để phía nhà khoa học được chia sẻ đề tài nghiên cứu, phía doanh nghiệp chia sẻ nhu cầu công nghệ, từ đó tìm đến nhau hợp tác. Sau khi hợp tác, ban đầu triển khai dự án nhỏ để cho thấy sự uy tín từ các bên, sau đó tiến hành dự án lớn dần, như vậy sẽ bền vững và hiệu quả.
Đặc biệt, doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng phải triển khai ý tưởng đổi mới sáng tạo của chính mình, rồi mới cùng nhau xây dựng nên những trung tâm đổi mới sáng tạo chất lượng, có ý nghĩa thực tiễn.
Thủ tướng thăm gian triển lãm về đổi mới sáng tạo KHCN của một số doanh nghiệp. Ảnh: VGP
Trước đó, khi chia sẻ về vấn đề đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho hay, năm 2021, mặc dù trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng nguồn tài chính đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam lại tăng cao chưa từng thấy trước đó. Hơn 1,5 tỷ USD đã được ghi nhận đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam, cao nhất từ trước tới nay.
Trong hệ sinh thái, hiện có khoảng hơn 1.000 tổ chức có năng lực hỗ trợ khởi nghiệp, hơn 140 trường đại học, cao đẳng tổ chức hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn cũng tham gia tích cực vào hoạt động này. Năm 2021, Việt Nam xếp thứ 44/132 quốc gia và nền kinh tế về đổi mới sáng tạo toàn cầu, tiếp tục giữ vị trí đứng đầu trong 34 quốc gia có thu nhập trung bình thấp.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, một trong những điểm nổi bật của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam là đã từng bước hình thành các mạng lưới liên kết, thúc đẩy dòng chảy của tri thức, của công nghệ trong và ngoài nước. Ông cho rằng, đây là thời điểm để tăng tốc, đẩy mạnh liên kết các nguồn lực trong và ngoài nước nhằm tạo ra động lực cho sự phát triển. Hệ sinh thái không chỉ là môi trường, mà phải trở thành bệ đỡ cho sự phát triển của các thành phần, là nơi kết nối nguồn cung và nguồn cầu về đổi mới sáng tạo.
“Bộ KH&CN tin tưởng rằng, quy mô và hiệu quả hoạt động của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia của Việt Nam sẽ ngày càng được mở rộng và nâng cao; thu hút ngày càng nhiều nguồn lực trong và ngoài nước; đóng góp ngày càng thiết thực hơn cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”, Bộ trưởng nói.
Nhấn mạnh thông điệp “lắng nghe và chia sẻ” khi tham dự sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước tuy chưa hoàn thiện nhưng đã cơ bản đầy đủ để thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chúng ta cần tổ chức thực hiện thật đồng bộ, hiệu quả trong thời gian tới. Nghị quyết Đại hội XIII đã khẳng định rất rõ: “Phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số và tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh”, “Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”.
Chia sẻ với các đại biểu một số suy nghĩ, trăn trở về đổi mới sáng tạo, Thủ tướng bày tỏ ấn tượng với những kết quả rất có ý nghĩa của hoạt động đổi mới sáng tạo trong năm 2021 có rất nhiều khó khăn, khẳng định sự cố gắng, vươn lên của các chủ thể đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo. Tuy nhiên, kết quả này vẫn còn khiêm tốn, chưa được như mong muốn, chúng ta cần một phong trào đổi mới sáng tạo mạnh mẽ hơn nữa, sâu rộng hơn nữa. Thủ tướng lấy ví dụ, Việt Nam không có tên trong số 15 kỳ lân công nghệ khởi nghiệp Đông Nam Á gọi vốn thành công, được định giá từ 1 tỷ USD trở lên trong năm 2021.
Thủ tướng nêu rõ, những kết quả đạt được là nhờ bám sát đường lối, chủ trương của Đảng được cụ thể hóa bằng chính sách, pháp luật của Nhà nước; sự nỗ lực, cố gắng, phấn đấu vươn lên của các chủ thể đổi mới sáng tạo; sự phối hợp, liên kết trong nước và ngoài nước.
Vấn đề thứ hai được Thủ tướng chia sẻ là vai trò quan trọng của đổi mới sáng tạo trong quá trình vận động và phát triển. Ông nêu rõ, đổi mới sáng tạo là yêu cầu khách quan của sự phát triển với bất cứ quốc gia nào, bất cứ lĩnh vực nào, bất cứ giai đoạn nào, bất cứ con người nào, không có đổi mới sáng tạo thì không phát triển được.
Về các mục tiêu cơ bản của đổi mới sáng tạo, Thủ tướng nhấn mạnh, đổi mới sáng tạo phải phục vụ hiệu quả các mục tiêu mà Đại hội XIII của Đảng và đại hội đảng bộ các cấp đã đề ra; góp phần làm cho mọi người dân được ấm no, hạnh phúc, không để ai bị bỏ lại phía sau; góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, cuộc sống bình yên của nhân dân; góp phần khẳng định Việt Nam là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; chứng minh trí tuệ, sức sáng tạo của con người Việt Nam.
“Đổi mới sáng tạo phải phục vụ dân giàu, nước mạnh, mọi người dân được ấm no, hạnh phúc, đất nước được yên bình, góp phần hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trên thế giới”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Về quan điểm, cách tiếp cận để đổi mới sáng tạo có hiệu ứng lan tỏa, nhân lên giá trị, mang lại hiệu quả thiết thực, Thủ tướng cho rằng, đổi mới sáng tạo là sự nghiệp của toàn dân nên phải có cách tiếp cận toàn dân. Đổi mới sáng tạo phải triển khai đồng bộ, tổng thể, liên thông, toàn diện, bao trùm ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp; đổi mới sáng tạo phải trở thành phong trào, truyền cảm hứng, thu hút sự tham gia cả tất cả mọi người, không phân biệt độ tuổi, vùng miền, giới tính... Đổi mới sáng tạo phải có sự kết nối giữa các cá nhân với tập thể, với cả nước và toàn cầu, hài hòa giữa lợi ích cá nhân, lợi ích quốc gia, dân tộc và lợi ích chung của nhân loại.